A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ thuật điêu khắc gỗ Dư Dụ

 

QPTĐ-Là một trong số ít làng nghề lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng, những người thợ ở làng Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai) với bàn tay, khối óc tài hoa đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc độc đáo nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.

 

 

Người thợ làng Dư Dụ áp dụng máy móc hiện đại trong điêu khắc gỗ.


Nghề điêu khắc Dư Dụ có từ khi nào không ai còn nhớ rõ, chỉ biết rằng đây là nghề cha truyền con nối. Bất cứ người thợ nào của làng nghề đều có thể biến khúc gỗ vô tri thành tác phẩm điêu khắc giá trị cao. Dù trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh của mùa Đông hay cái nóng bức giữa trưa Hè thì người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất hay những bức tượng bề thế ở những ngôi chùa từ Bắc vào Nam. Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường, nhưng khi đặt vào bàn tay người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy bỗng có hồn và trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật để đời.


Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Duy Sinh, đã ở tuổi xưa nay hiếm, gần 70 năm làm nghề, cụ vẫn “tinh mắt, tinh tay" dạy con cháu: “Đối với những người làm nghề, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật: Cân đối, hài hòa, mực thước thì họ còn phải tính toán theo quy luật âm dương-ngũ hành, thuật phong thủy của bức tượng. Giá trị của bức tượng gỗ là phải mang đậm tính triết lý phương Đông, phải tuân thủ một cách chặt chẽ về cả chất liệu, kích thước, cách sắp đặt và màu sắc”.


Sáng tạo và độc đáo, người thợ Dư Dụ còn rất khắt khe trong việc chọn nguyên liệu để sản xuất. Gỗ dùng để tạc tượng phải là những loại gỗ nhẹ, dẻo, có độ đàn hồi cao, có vân đẹp và không bị mối mọt như samu, pơmu, hương, mít lâu năm... Vì thế, sản phẩm của làng nghề luôn được đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ. 


Anh Đỗ Lâm, một thợ nghề trẻ chia sẻ: “Bây giờ khoa học phát triển, thợ trẻ chúng tôi đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số công đoạn pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm vốn trước chỉ làm bằng thủ công. Các loại máy phun sơn, máy cưa, máy tiện...giúp người thợ nhàn hơn, giúp sáng tạo mẫu mã, làm được những họa tiết độc đáo, mới lạ cho sản phẩm điêu khắc”.


Thôn Dư Dụ có đến 80% lao động làm nghề điêu khắc. Hay ở chỗ, nơi đây phụ nữ không chỉ đảm việc nhà và nghĩa vụ của người vợ mà còn giỏi giang trong việc làm nghề truyền thống. Thu nhập từ nghề cũng khá cao, với những thợ phụ có thể thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, còn những tay thợ lành nghề có thể thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, UBND xã Thanh Thùy còn rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho thế hệ trẻ. Hàng năm, ngoài những lớp đào tạo do những thợ giỏi của làng, Dư Dụ cũng được các cơ quan chức năng như Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ cho các lớp đào tạo nghề. Hiện nay, Dư Dụ đã có gần 300 lao động được đào tạo nghề. Số lao động này đang từng ngày góp sức củng cố thêm danh tiếng cho sản phẩm của làng nghề điêu khắc truyền thống.


Quả thật, Dư Dụ không chỉ là nơi sinh ra những pho tượng độc đáo mà còn luôn sáng tạo những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thị yếu của khách hàng và làm phong phú không gian sống cho hàng triệu ngôi nhà và những người chơi sưu tầm đồ gỗ. Hằng ngày, ngay tại nơi đây lớp thợ già vẫn miệt mài truyền nghề cho thế hệ sau, để làng nghề ngày càng hưng thịnh.


HẢI YẾN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ