A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ tự vệ chiến đấu ngày ấy

 

QPTĐ-Năm nay đã 90 tuổi nhưng bà Phạm Ngọc Như ở phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ, bên tách trà nóng, bà chậm dãi kể cho tôi nghe những câu chuyện về một thời đạn bom, một thời hào hùng của 60 ngày đêm năm ấy.

 

 

Sinh ra trong gia đình có 9 người con, bố mẹ làm nghề sản xuất bánh kẹo, năm 1946, được sự dìu dắt của anh trai và chị gái, bà sớm tham gia hoạt động cách mạng tại Trung đoàn Thủ đô, với cương vị là Tự vệ chiến đấu Liên khu I, Khu Đồng Xuân.


Bà xúc động: “Tôi ở Đại đội của anh Phạm Gia Ban-Đại đội trưởng (anh trai tôi). Gia đình tôi lúc đó có 3 người tham gia cách mạng, ở cùng một Đại đội. Điều đáng nói, bố mẹ tôi không phản đối mà rất cổ vũ để chúng tôi tham gia chiến đấu trong nội thành.


Thời gian đầu tham gia cách mạng, tôi làm tiếp tế, về sau, Mặt trận mở rộng thì chuyển sang làm cứu thương ở Mặt trận Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Chiếu và sát với chợ Đồng Xuân. Trong trận cuối cùng, anh em bị thương khá nhiều, chúng tôi phải làm việc với người Hoa (phố Hàng Buồm) lập Bệnh viện tiền tuyến để đưa anh em thương binh nặng chữa trị tại đó (thương binh nhẹ nằm rải rác các phố).


Trận đánh cổng thành Hàng Chiếu, ta và địch đánh giáp lá cà. Địch đưa cả xe tăng vào để trấn áp nên quân ta bị thương nhiều. Tôi cùng đồng đội làm nhiệm vụ sơ cứu tại hiện trường sau đó đưa thương binh về Hàng Buồm. Cũng trận đó, anh tôi bị thương nặng, vỡ mắt cá chân. Sau 60 ngày đêm, được lệnh của trên, quân ta rút khỏi nội thành để bảo toàn lực lượng. Đại đội tôi có hai người, trong đó có anh trai tôi và một người nữa được đưa ra, số còn lại phải gửi lại người Hoa. Anh trai tôi khi rút khỏi nội thành, vết thương phát tác và đã hy sinh tại Thạch Thất.


Thực ra bố mẹ tôi khi ấy rất tân tiến, những ngày Toàn quốc kháng chiến, bố mẹ tôi đi tản cư nhờ nhà người quen nhưng cho 3 anh em ở lại. Sau này kể lại, mẹ tôi nói: “Khi cho các con ở lại, mẹ xác định, có thể các con sẽ hy sinh và chắc khó lòng gặp được các con nữa nhưng vì cách mạng, mẹ vẫn đồng ý”. 


Kể về kỷ niệm ấn tượng nhất, bà Phạm Ngọc Như chia sẻ: “Lần đầu tiên tiếp xúc với thương binh, lúc đó mình thực ra đang là học sinh nên thấy máu chảy nhiều (anh ấy là người quen phố Hàng Đường), tôi rất sợ. Khi hai chị em khiêng anh ấy ra trạm cứu thương, vừa đi tôi vừa run nhưng tình đồng đội, tình thương gắn bó giữa anh em đã khiến tôi vượt qua được hết. Trước khi tiếp xúc với công việc cứu thương, tôi tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, do phố Hàng Đường tổ chức và được học kỹ thuật sơ cứu thương binh (học 3 tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến). 


Sau 60 ngày đêm chiến đấu, trên thấy chị em quá vất vả nên điều động  về công tác tại các bệnh viện. Tôi và các chị ở phố Hàng Đường làm việc ở Bệnh viện Cần Kiệm, Thạch Thất. Ở đó mấy tháng, có chủ trương lấy người lên Việt Bắc, tôi và một chị nữa cùng phố tình nguyện đi. Chị gái tôi ở lại Bệnh viện. Tôi được phân công ở Phòng Mật mã, Bộ Tổng Tư lệnh. Hoà bình lập lại, tôi được đi học dược tá 6 tháng tại Nam Định. Sau này, tôi chuyển về làm dược tại Hàng Bột; làm kế toán tại Công ty Xây dựng Hà Nội. Một thời gian sau, sức khỏe giảm sút, tôi nghỉ hẳn.


Trần Hiền (ghi theo lời kể của bà Phạm Ngọc Như)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ