A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội

QPTĐ-Hà Nội là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ và tỏa sáng những tinh hoa của dân tộc, nơi lưu dấu hệ thống di tích cách mạng kháng chiến mang tính đặc trưng tiêu biểu, thể hiện khí chất anh hùng, ngời sáng tinh thần cách mạng và ý chí quật cường của nhân dân Thủ đô trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Việc gìn giữ, bảo tồn luôn được Thành phố coi trọng nhằm phát huy giá trị của hệ thống di tích cách mạng kháng chiến (CMKC) trên địa bàn.  

Phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội về vấn đề này. 

Phóng viên: Thưa đồng chí, số lượng di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thủ đô hiện khá lớn, là nguồn sử liệu quý về những mốc son sáng chói trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Xin đồng chí có thể chia sẻ thêm về thực trạng hệ thống các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội?

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn: Di tích cách mạng kháng chiến có 46 di tích cách mạng kháng chiến đã xếp hạng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội (26 di tích Quốc gia và 20 di tích Thành phố) tiêu biểu  như: Ngôi nhà của gia đình cụ bà Nguyễn Thị An tại làng Phú Thượng, quận Tây Hồ- nơi đón Bác Hồ từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô năm 1954; di tích Quán cơm bà Tấc tại huyện Gia Lâm; di tích ATK chùa Chòng, huyện Ứng Hòa; di tích chùa Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ... Đây là những di tích đặc trưng, tiêu biểu gắn với những sự kiện trọng đại, với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, mang tầm vóc là những chứng nhân lịch sử, cần và phải được bảo vệ, bảo tồn; giáo dục truyền thống cách mạng, tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn.

 

 Địa điểm gắn với sự kiện cách mạng kháng chiến có số lượng rất nhiều với 355 địa điểm (312 địa điểm đã được gắn biển) tiêu biểu như: Địa điểm bắn rơi máy bay B-52 tại hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình), tại huyện Thanh Oai; địa điểm Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân thôn Đại Áng, huyện Thanh Trì… Đối với các địa điểm gắn với sự kiện cách mạng kháng chiến là những địa điểm gắn với những sự kiện cốt lõi, không chỉ thể hiện mà còn mang tính thời sự diễn ra sự kiện đó. Những sự kiện này là những sự kiện gắn liền và đồng hành với từng thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc. Ví dụ như sự kiện Bác Hồ về thăm và làm việc tại các địa phương, thời gian Bác làm việc không lâu, chỉ đi trong ngày, nhưng những sự kiện này thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, cùng cam cộng khổ trong những ngày tháng cam go trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Phóng viên: Thực tế trong những năm qua thì công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội có gặp những khó khăn gì không thưa đồng chí?

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn: Nói tới khó khăn, chúng tôi thiết nghĩ không có ngành nghề nào không có khó khăn. Là cơ quan chuyên môn của Thành phố được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi luôn trăn trở tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao những phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích CMKC một cách có hiệu quả nhất trong nhiệm vụ của mình. Hàng năm, chúng tôi phối hợp với các địa phương thực hiện công tác rà soát các di tích CMKC và phân loại các di tích đã xếp hạng, di tích đã gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến xem xét mức độ hiện trạng để tham mưu báo cáo Thành phố phương án xử lý, nhất là đối với các di tích xuống cấp. Trên cơ sở rà soát, chúng tôi tham mưu phương án đầu tư theo phân cấp. Đặc biệt, các di tích CMKC đã xếp hạng thì báo cáo Thành phố đầu tư theo nhiệm vụ chi đã được phân cấp. Đối với các địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến đã gắn bia-biển thì có phương án trùng tu, gia cố, gia cường tùy vào mức độ xuống cấp của bia- biển.

Dân quân quận Hà Đông học tập và tham quan di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh
viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.

 

Trong thời gian vừa qua, số lượng các địa điểm đề nghị gắn biển lưu niệm sự kiện CMKC của các địa phương khá nhiều. Chúng tôi đã tham mưu Thành phố lập hồ sơ gắn biển, sau khi có quyết định của Thành phố thì giao các quận, huyện, thị xã cân đối ngân sách thực hiện gắn biển theo nội dung đã được Thành phố phê duyệt.

Phóng viên: Vậy Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã có những biện pháp đổi mới gì để có thể phát huy giá trị của loại hình di tích đặc biệt này?

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn: Theo định nghĩa của Luật Di sản văn hóa, di tích CMKC là địa điểm lưu lại những dấu ấn cùng những trang sử vẻ vang với các chiến công oai hùng của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước. Với tinh thần ấy, để phát huy giá trị của loại hình di tích này, trước tiên chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân và khách nghiên cứu tham quan học tập về việc bảo vệ di tích lịch sử cách mạng, xác định những di tích địa điểm này là tài sản chung của nhân dân, mọi người dân đều có quyền hưởng thụ, khai thác và phát huy giá trị di tích phục vụ cho mục đích văn hóa lành mạnh. Để phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử cách mạng, cần có sự vào cuộc của nhân dân trong việc tham gia quản lý di tích theo Luật Di sản văn hóa. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng bảo vệ và phát huy giá trị trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ của Thủ đô. Cùng với đó, thường xuyên đổi mới và bổ sung trong công tác tham mưu trưng bày để làm sinh động và thu hút công chúng tham quan nghiên cứu.

Di tích 90 Thợ Nhuộm-Nơi ra đời Dự thảo Bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng.

 

Phóng viên: Để xây dựng đội ngũ cán bộ gắn bó với các điểm di tích lịch sử như hiện nay thì Ban quản lý đã có những biện pháp gì?

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn: Về nội dung này, chúng tôi đã thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất, tiếp tục kiểm tra, tuyên truyền tới mọi viên chức, người lao động trong đơn vị, đặc biệt là bộ phận chuyên môn, trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích CMKC, thực hiện tốt nội quy của cơ quan, quy tắc ứng xử văn minh nơi công sở; thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo hiệu quả công việc.

Thứ hai, Ban Quản lý di tích là đơn vị được giao quản lý trực tiếp một số di tích trọng điểm của Thủ đô như di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc - Hà Đông, di tích 48 Hàng Ngang, di tích nhà số 5D Hàm Long, di tích 90 Thợ Nhuộm. Vì vậy, trong thời gian tới, đơn vị cần nâng cao, làm tốt hơn nữa công tác tôn tạo cảnh quan, không gian, chất lượng sản phẩm, nội dung trưng bày phục vụ du khách và nhân dân khi tới thăm quan di tích, đảm bảo sự tận tình, hướng dẫn chu đáo; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các điểm di tích do đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hữu Thu (thực hiện)

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ