A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện tốt chế độ, chính sách với người có công

 

QPTĐ-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thực hiện lời căn dặn của Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã không ngừng phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quan tâm, chăm sóc tới thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

 

 

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 610 tham gia ngày công

xây dựng nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách ở xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức.

 

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, cơ quan Thường trực Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Thành phố, năm 2018, với sự ủng hộ nhiệt tình, trách nhiệm cao và thiết thực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, đào tạo và các cá nhân ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên toàn Thành phố với số tiền trên 35,5 tỷ đồng. Nhờ đó, Thành phố đã xây dựng và sửa chữa được 591 nhà ở cho người có công với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng; tặng sổ tiết kiệm cho 4.581 người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tu sửa, nâng cấp 118 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ nâng mức sống cho 36 hộ gia đình người có công thuộc diện cận nghèo. Tính trong 10 năm qua, toàn Thành phố đã xây dựng, sửa chữa 13.538 nhà ở cho người có công, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, xây mới 6.216 nhà, sửa chữa 7.322 nhà. Từ chủ trương này, hàng chục nghìn đối tượng chính sách được sống trong những căn nhà mới khang trang, to đẹp hơn.


Không chỉ lo mái ấm cho người có công, trong những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tiễn, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ, điều chỉnh nhiều chính sách theo hướng có lợi cho các đối tượng chính sách. Theo đó, chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm/lần được rút xuống thành 2 năm/lần. 10 năm qua, toàn Thành phố có hơn 130 nghìn lượt người đi điều dưỡng luân phiên. Mức phụng dưỡng đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng được điều chỉnh tăng từ 400 nghìn đồng/tháng lên đến một triệu đồng/tháng. Chế độ trợ cấp một lần/năm cho người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tham gia các Ban liên lạc tù chính trị Hà Nội cũng được tăng dần từ 100 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/người/năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người có công với cách mạng di chuyển làm việc, sinh hoạt hằng ngày, đến nay toàn Thành phố đã cấp hơn 26 nghìn thẻ đi xe buýt miễn phí cho các đối tượng chính sách.


Ngoài ra, Thành phố cũng luôn tăng cường thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, tập trung giải quyết cơ bản những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công để bảo đảm các đối tượng được thụ hưởng một cách tối đa. Thành phố xác định công tác chăm sóc người có công với cách mạng, "Đền ơn đáp nghĩa" là hoạt động thường xuyên, liên tục, phấn đấu các hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.


Nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quan tâm đến thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, Thành phố đã và đang triển khai các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019). Theo đó, Thành phố yêu cầu tổ chức các hoạt động thiết thực thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, hướng đến mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống, vật chất, tinh thần người có công, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.


Cụ thể, Thành phố đặt chỉ tiêu, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn Thành phố đạt 22 tỷ 120 triệu đồng; tặng 2.645 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”, mỗi sổ mức thấp nhất 1 triệu đồng; tu sửa, nâng cấp 65 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 262 hộ gia đình người có công; phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cơ trú, không để hộ gia đình người có công tái nghèo. Thành phố cũng chỉ đạo chăm sóc chu đáo đời sống vật chất, tinh thần đối với Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, bảo đảm có cuộc sống tốt nhất như: Nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, nâng cấp tiện nghi sinh hoạt. Tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiện vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, với mức phụng dưỡng tối thiểu 700.000 đồng/người/tháng.


Tri ân người có công và những cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước là việc làm không bao giờ đủ. Đất nước thanh bình, chiến công đầu thuộc về các Anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô quyết tâm làm tốt hơn nữa, có nhiều hành động cụ thể, thiết thực chăm sóc người có công với cách mạng. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của mỗi người và toàn xã hội.


Thu Huyền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ