A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

60 năm Bác Hồ viết bài báo “Tết trồng cây”

 

QPTĐ-Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Tết trồng cây”, đăng trên báo Báo Nhân dân, số 2082, với bút danh Trần Lực. Với tầm nhìn chiến lược, Người đã phân tích ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng, kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua trồng cây “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, sáng 16/2/1969 (Mùng 1 Tết Kỷ Dậu).  

Ảnh tư liệu: TTXVN

 

Mở đầu bài báo, Bác viết: “Mấy lâu nay các xí nghiệp, công trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, hợp tác xã nông nghiệp, v.v., đang thi đua sôi nổi để lấy thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi. Đó là một việc rất tốt. Một lần nữa, nó chứng tỏ rằng toàn dân ta kính yêu Đảng, tin cậy Đảng, quyết tâm theo sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.

 

Rồi Bác chỉ rõ cách thức thực hiện “Tết trồng cây”: “Để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó có độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho “Tết trồng cây”, ví dụ: Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Ủy ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu,v.v..”. Người còn phân tích ý nghĩa thiết thực của việc trồng cây, gây rừng: “Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu hiền hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người-từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.


60 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ viết bài báo “Tết trồng cây”, đến nay, nội dung của bài viết vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “Tết trồng cây” do Người phát động đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Hàng năm, cứ mỗi dịp đầu Xuân, quân và dân cả nước lại  thi đua trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải tạo môi trường sống. “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tổ chức trong toàn quốc đều đảm bảo hiệu quả, không phô trương, hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. 


Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2019, các đơn vị đã trồng được trên 20.000 cây xanh các loại. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc vị trí quan trọng của “Tết trồng cây”, không chỉ trồng, mà còn hết sức chú trọng đến khâu chăm sóc, bảo vệ, để “trồng cây nào, phát triển tốt cây đó”, xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị thêm xanh, sạch, đẹp.


Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm đến công tác trồng cây, gây rừng, chống biến đổi khí hậu, từ đó, xác định các giải pháp tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; coi bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập; đồng thời, đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. 


Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ rừng trong những năm qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2019, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được trên 220.000 ha rừng trồng tập trung và trên 50 triệu cây phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 20 triệu m3 gỗ/năm; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 41,65%.


Đỗ Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ