A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Thương binh-Liệt sỹ

 

QPTĐ-Để có được cuộc sống hoà bình như ngày hôm nay, đã có biết bao người con của Tổ quốc khi tuổi còn xanh đã ngã xuống. Họ thậm chí không tiếc máu xương chỉ với một mong muốn được đổi lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để xoa dịu nỗi đau chiến tranh và tri ân lớp lớp thế hệ anh hùng, thương binh, liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã chọn ngày 27-7-1947 là Ngày Thương binh-Liệt sỹ. 

 

 

Khám bệnh cho đối tượng chính sách phường Giảng Võ, quận Ba Đình.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh, liệt sỹ. Trong lời dặn của Người tới toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã có đoạn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”; “Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương cần phải xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm để ghi công sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. “Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”....   


Năm 1946, mặc dù đứng trước rất nhiều việc cùng lúc như: Chống giặc đói, giặc dốt và ngoại xâm song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành những tình cảm riêng cho thương binh, liệt sỹ. Chính Người đã bày tỏ: “Tôi muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh của mình cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Tới ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.


Để công tác thương binh, liệt sỹ được thực hiện một cách bài bản và thiết thực, ngày 26/2/1947, Phòng Thương binh (Quân đội) được thành lập. Tiếp đó, tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên). Nội dung nhằm thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh, liệt sĩ. Tại đây, Hội nghị nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Đúng ngày này 27/7/1947, một cuộc mít tinh đã diễn ra tại Thái Nguyên; Ban tổ chức đã đọc thư của Bác gửi tới buổi mít tinh, trong đó có các đoạn: 


“Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…; vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…; thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào; để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ…; tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần...”. Chính Bác Hồ cũng đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.


Kể từ năm 1947, Ngày Thương binh được tổ chức hàng năm. Điều đáng nói, năm nào khi còn sống, Bác cũng có thư cùng quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tháng 7/1954, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ.


Tròn 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, trên khắp mọi miền Tổ quốc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm. Tại Hà Nội, ngay từ tháng 3, theo Kế hoạch số 59/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương từ Thành phố tới cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.


Cụ thể, trong dịp này, toàn Thành phố phấn đấu vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt hơn 22 tỷ đồng; tặng 2.645 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”; tu sửa, nâng cấp 65 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 262 hộ gia đình người có công; bảo đảm 100% hộ gia đình người có công có mức sống ổn định; không để gia đình nào tái nghèo. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; nhận phụng dưỡng bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng với mức phụng dưỡng tối thiểu là 700.000 đồng/người/tháng. Các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền những gương thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu vượt khó làm giàu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; tập thể, cá nhân làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng dự kiến dành hơn 10 tỷ đồng tặng quà cho gần 126.000 người có công; các ngành, địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công; đưa người có công đi an điều dưỡng luân phiên…


Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ