A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm khởi đầu Đường Hồ Chí Minh

 

QPTĐ-Tháng 1/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, xác định đường lối cách mạng miền Nam là bạo lực và để tiến hành cuộc đấu tranh đó, phải có sự cung cấp sức người, sức của, vũ khí, trang bị, vật chất kỹ thuật cho cách mạng miền Nam. Thực hiện Nghị quyết 15, Bộ Chính trị chủ trương tổ chức tuyến giao liên quân sự Trường Sơn và ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, do Thượng tá Võ Bẩm phụ trách, mở đường vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, vũ khí cũng như đưa đón cán bộ, chiến sĩ, chuyển công văn, tài liệu từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam và ngược lại. 

 

 

Đoạn đường Hồ Chí Minh tại Km 0 ở Khe Hó. 

Ảnh: Internet


Đoàn được tổ chức Tiểu đoàn vận tải 301, các bộ phận xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo về chiến lược, thể hiện quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đoàn công tác quân sự đặc biệt được mang phiên hiệu Đoàn 559 và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được xác định là ngày truyền thống Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn.


Trên cơ sở kết quả khảo sát, chỉ huy Đoàn đã quyết định chọn khu rừng Khe Hó, thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm điểm khởi đầu cho tuyến đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh. Khe Hó nằm giữa thung lũng hẹp dưới chân núi Động Nóc, kề thượng nguồn sông Rào Thanh; dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, đời sống khó khăn nhưng nặng tình với cách mạng. Vị trí này nằm gần khu phi quân sự sẽ tạo ra yếu tố bất ngờ đối với địch. (Địa điểm Khe Hó được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia: Địa điểm xuất phát đường dây 559, theo Quyết định số 3532/QĐ-BVHTTDL ngày 01/11/2011).


Theo tinh thần trên, Đoàn quyết định mở tuyến hành lang từ Khe Hó phát triển về hướng Tây Nam qua làng Mít, vượt đỉnh 1001, 1600, sông Rào Thanh, qua đỉnh 1701, Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt đường 9 qua Đá Bàn vào Tà Riệp, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Tuyến vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông suối, lèn đá cheo leo và cả hệ thống đồn bốt của địch...


Phương châm hoạt động của Đoàn là tránh địch, bí mật với dân; không được đi theo lối mòn mà phải tìm lối đi ở bình độ cao hơn; vừa vận chuyển vừa mở đường hành quân với nguyên tắc: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.


Trong khi một bộ phận khảo sát thăm dò tìm đường thì một bộ phận khác tổ chức lực lượng và chuẩn bị nguồn hàng đưa vào chiến trường. Cuối tháng 5/1959, Đoàn đã tuyển 440 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức Tiểu đoàn 301 thành 11 đội, trong đó có 9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát, 1 đội xây dựng hậu cứ. Việc lựa chọn cán bộ, chiến sĩ được thực hiện theo tinh thần “quân đi tính từng người, hàng chuyển tính từng cân”. Yêu cầu đối với các chiến sĩ Tiểu đoàn 301 là hoàn toàn tự nguyện, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Bộ đội vừa học tập chính trị vừa luyện tập thể lực, tăng cường sức chịu đựng, tập trung mang vác nặng, hành quân xa trong điều kiện đêm tối trên địa hình phức tạp. Bộ đội chỉ được mang theo quần áo, khăn mặt; giấy tờ tuỳ thân, sổ ghi chép phải bỏ lại. Nếu bị địch bắt chỉ được khai là cán bộ nằm vùng để giữ bí mật cho tuyến giao liên. Tiểu đoàn 301 sau một thời gian huấn luyện, được trang bị dụng cụ gùi và một ít xe đạp thồ. Vũ khí chủ yếu là dao rừng, một số súng, lựu đạn để tự vệ khi cấp bách.

 

Làng Ho, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình được Tiểu đoàn 301 chọn làm địa điểm đóng quân đầu tiên. Các đội tiếp nhận hàng bí mật xây dựng kho, xưởng sửa chữa hiệu chỉnh các loại vũ khí...


Ngày 13/8/1959, sau 8 ngày đêm gian khổ hành quân, mang vác nặng, Tiểu Đoàn 301 đã vận chuyển thành công chuyến hàng đầu tiên, đưa đến Tà Riệp 20 khẩu súng trường Mat, 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 10 thùng đạn... Cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5 vô cùng phấn khởi khi tiếp nhận chuyến hàng này. Theo tinh thần trên, hết tháng 8/1959, Tiểu đoàn đã vận chuyển cho Liên khu 5 và Trị-Thiên 100 khẩu tiểu liên, súng trường, hơn 60 khẩu trung liên cùng một số lớn đạn và quân dụng...


Đến cuối năm 1959, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã thực sự được thiết lập. Việc vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam tuy còn hạn chế nhưng việc thiết lập này là yếu tố quan trọng có ý nghĩa vô cùng lớn lao cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển. 


Khe Hó, Làng Ho-điểm khởi đầu của Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành di tích đánh dấu thời kỳ lịch sử đầy khó khăn gian khổ nhưng cực kỳ anh dũng trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta.

 

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hữu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ