A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2023:  Bức tranh nhiều màu sắc

QPTĐ-Nhìn chung, kinh tế-xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Mặc dù tăng trưởng GDP đạt 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023, tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, thách thức của kinh tế-xã hội toàn cầu, tăng trưởng 3,72% được cho là con số tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. 

  Ảnh: Ngọc Thạch 

Điểm sáng dịch vụ
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4.270,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng qua. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu tăng mạnh
Về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa đạt 152,2 tỉ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%. Bên cạnh đó có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Nỗ lực vượt qua thách thức
Theo Báo cáo, bước sang quý III năm 2023, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo.

Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân trên cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp. Đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng trong mùa cao điểm nắng nóng. Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm.

Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch; thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.

Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, liên quốc gia và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.

Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang dư luận; tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

P.Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ