A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người cựu chiến binh hai lần đánh sân bay

 

QPTĐ-Hai trận đánh sân bay Bạch Mai (18/1/1950) và Gia Lâm (4/3/1954) là những trận đánh tiêu biểu của LLVT Thủ đô trong kháng chiến chống thực dân Pháp.  Trong 2 trận đánh lẫy lừng ấy có sự đóng góp không nhỏ của những con người bình dị như cựu chiến binh, Thiếu tá Đặng Văn Nguyên (sinh năm 1924) ở phường Bồ Đề, quận Long Biên. Khi ấy ông là cán bộ Tiểu đội của Tiểu đoàn 108 đánh sân bay Bạch Mai (18/1/1950),  sau đó tháng 3/1954 là Tổ trưởng Tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm.

 

 

Tác giả và cựu chiến binh Đặng Văn Nguyên.

 

Ở tuổi 95 nhưng những kỷ niệm về hai lần cùng đồng đội tham gia tập kích hai sân bay địch năm xưa vẫn còn âm vang trong lòng người chiến sĩ "quyết tử" của Tiểu đoàn 108. Bên ấm trà hoa cúc chiều Thu, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe: “Tôi sinh ra ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhưng sống ở Hà Nội từ năm lên 4 tuổi. Đúng ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, tôi nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn Thủ đô. Vào quân ngũ, tôi được huấn luyện quân sự, sau được chỉ huy cử làm quân báo trinh sát. Ngày 1/8/1948, tôi được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Mặt trận Hà Nội”. 


Trận đánh sân bay Bạch Mai diễn ra vào đêm 17, rạng sáng ngày 18/01/1950, đánh dấu bước mở màn cho phong trào đánh sân bay giặc Pháp của quân và dân Hà Nội. Đây là trận đấu Hà Nội thực hiện chỉ thị của Trung ương về việc chuẩn bị chiến trường, tiêu hao sinh lực địch, tiến tới tổng tấn công cho ngày giải phóng Thủ đô. Lúc đó, LLVT ở căn cứ được gấp rút củng cố, phát triển thành Tiểu đoàn 108. Cũng ngay sau đó, Chỉ huy trưởng Phùng Thế Tài đã quyết định lựa chọn những chiến sĩ gan dạ, mưu trí để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đánh sân bay Bạch Mai. Ông Nguyên là một trong những người được chọn. 


Ông Nguyên nhớ lại: Sân bay Bạch Mai được bao bọc bằng những hàng rào thép gai, ao hồ và hệ thống hào sâu. Lực lượng bảo vệ gồm một Đại đội lính Âu-Phi và một Trung đội lính dù, do một tên Đại úy và một tên Trung úy Pháp chỉ huy. Xung quanh sân bay có nhiều đèn pha và lô cốt. Ngày cũng như đêm, xe bọc thép, xe ô tô và lính bộ binh thay phiên nhau tuần tiễu, canh gác nghiêm ngặt. Phương châm của trận đánh này là "Bí mật, bất ngờ, ít đánh nhiều, hiệu quả cao”. Bên ta có đồng chí Chu Duy Kính (sau này là Tư lệnh Quân khu Thủ Đô) từng bị địch bắt, đưa vào làm phu trong sân bay Bạch Mai. Sau khi trốn thoát ra ngoài, đồng chí đã báo cáo với Mặt trận Hà Nội, kết hợp với nguồn thông tin của lực lượng trinh sát, ta đã xây dựng phương án tác chiến cho bộ đội luyện tập. 


 Chiều 17-1-1950, từ đình làng Xà Cầu, huyện Ứng Hòa (cách Vân Đình 4km), đại đội đột kích xuất quân. Mỗi chiến sĩ được trang bị một quả mìn chai, hai quả lựu đạn và một chiếc bánh mì. Nhờ du kích địa phương dẫn đường, chúng tôi chia làm ba mũi tập kết gần sân bay và đột kích theo ba hướng khác nhau. Mũi thứ nhất do Đội trưởng Hà Giáp chỉ huy chui đường cống ngầm lên, có 18 người; mũi thứ hai có 9 người do đồng chí Trần Thành chỉ huy theo bờ đầm vào sân bay; mũi thứ ba do Trung đội trưởng Tráng chỉ huy, theo hướng Bắc, có nhiệm vụ đốt kho xăng. Đêm ấy, sương mù dày đặc, cách 4-5m không nhìn rõ mặt người, rất thuận lợi cho chiến sĩ ta thực hiện nhiệm vụ, đèn pha của địch rọi liên tục nhưng không phát hiện được. Rạng sáng ngày 18-01-1950, những tiếng nổ ầm vang cả sân bay Bạch Mai, 25 máy bay giặc bị phá, kho xăng dầu của địch với hàng vạn lít xăng bùng lửa, nhiều sĩ quan  và binh lính bị tiêu diệt. Đây là một trận đánh điển hình về việc dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ để đánh các mục tiêu lớn của địch. Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm và thiết thực góp phần vào việc hình thành lối đánh đặc công của Quân đội ta sau này.


Sân bay Gia Lâm là một sân bay lớn của miền Bắc Đông Dương, từ sân bay này, nhiều loại máy bay của địch đi ném bom bắn phá hậu phương của ta và tiếp tế cho các mặt trận của chúng. Sân bay được bảo vệ với lực lượng lên đến 2.000 tên cùng hệ thống đồn bốt, hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc xung quanh. Việc tiêu diệt sân bay Gia Lâm là một trong những yêu cầu và thách thức lớn đối với ta lúc đó. Vì ở thời điểm này, vũ khí, trang bị của ta còn hạn chế, trình độ kỹ, chiến thuật còn yếu. Ông Nguyên kể tiếp: Để vào được sân bay này, tôi cùng đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, phải mất hơn hai năm ròng rã điều tra chắc chắn tình hình địch, cách bày binh bố trận ở bên trong và ngoài sân bay, chúng tôi mới xin cấp trên cho lệnh tập kích sân bay trọng yếu này. Lực lượng ta tham gia trận đánh gồm 16 đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu, được tuyển chọn từ Đại đội 8. 


Trong đêm 3-3-1953, từ các hầm bí mật nằm ngoài đê sông Hồng thuộc xã Long Biên (quận Long Biên hiện nay), 20 chiến sĩ trong đội bơi qua hồ Lâm Du trong cái rét thấu da thịt, áp sát sân bay tiến hành gỡ mìn, cắt hàng rào, lần lượt lọt sâu vào trong sân bay. Ba mũi tiến đến các mục tiêu chuẩn bị đặt mìn, đợi lệnh. Với chiến thuật tập kích sau đó nhanh chóng rút lui an toàn, ta đã phá hủy 18 máy bay địch, đốt phá 1 kho xăng, 1 nhà sửa chữa máy bay và tiêu diệt 16 tên.


 Trận đánh sân bay Gia Lâm là trận đánh tiêu biểu dùng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, với lối đánh táo bạo, bất ngờ thọc sâu, đánh hiểm, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận đánh cũng đã góp phần gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Và ngày 10/10/1954, LLVT Thủ đô đã góp phần tích cực cùng với bộ đội chủ lực tiến hành tiếp quản Thủ đô bảo đảm tuyệt đối an toàn, bao gồm hàng loạt các căn cứ quân sự cùng 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học được giữ nguyên vẹn.


Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đưa cán bộ vào các nhà máy, xí nghiệp cùng công nhân xây dựng. Ông được phân công đưa đón cán bộ ra vào thành. Sau này, ông còn phụ trách củng cố xây dựng lực lượng tự vệ ở Nhà máy điện Yên Phụ và huấn luyện quân sự cho lực lượng này. Quá trình công tác, ông Nguyên còn được cấp trên giao là Huyện đội phó Gia Lâm, Huyện đội trưởng Đông Anh (thuộc Thành đội Hà Nội, Quân Khu Thủ đô). 
Trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến, người đảng viên 70 năm tuổi Đảng luôn gương mẫu nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ làm nhiều việc tốt. Sau khi nghỉ hưu, ông học nghề thuốc Đông y, trở thành một vị lương y giỏi. Ông xây dựng một vườn cây thuốc Nam tại nhà, nghiên cứu chuyên sâu và tìm ra bài thuốc chữa sỏi thận rất hiệu nghiệm, chữa khỏi được bệnh cho rất nhiều người. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe có hạn song ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, ông còn sức còn lao động để giúp đỡ mọi người.

 

Hữu Thu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ