A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ-Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng 

QPTĐ- Với 29 năm tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những đóng góp của đồng chí thể hiện trí tuệ sáng tạo với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta. 

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và tác phẩm “Tự chỉ trích”.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, tại làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. Khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (6/1929), đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trong những người đầu tiên được kết nạp vào Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng và tích cực tham gia thành lập các chi bộ Đảng ở vùng mỏ.

Cuối năm 1930, trên cơ sở các chi bộ vùng mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề xuất và được Xứ ủy Bắc kỳ chấp thuận, lập Đặc khu ủy vùng mỏ và được cử làm đại diện của Xứ ủy Bắc kỳ bên cạnh Đặc khu ủy. Đây là nhân tố hết sức quan trọng để Đảng tổ chức, phát động các cuộc đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ của công nhân vùng mỏ những năm 1930-1931.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định (tháng 9/1937), đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong được bầu làm Thường vụ Trung ương do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ở vào giai đoạn cách mạng đang gặp nhiều khó khăn thử thách, đồng chí đã có nhiều hoạt động nhằm xây dựng và phát triển tổ chức và phong trào cách mạng…

Trong hai ngày 29 và 30-3-1938, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở Mát-xcơ-va; bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí; bầu Ban Bí thư gồm 3 đồng chí (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong)-đây là cơ quan mới của Đảng-do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. 

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành Tổng Bí thư thứ tư của Đảng khi chưa đầy 26 tuổi, trẻ nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, lại chưa được đào tạo ở nước ngoài. Điều đó cho thấy năng lực xuất chúng của đồng chí, một nhân cách cộng sản cao đẹp và có một nghị lực phi thường, nên giành được sự tín nhiệm của tập thể những người cộng sản đã dày dạn trên con đường tranh đấu giành độc lập.

Trên cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (năm 1936-1939) sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam, tiền đề dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cải lương, cơ hội, với tác phẩm “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, bọn địch ráo riết săn lùng người lãnh đạo đầy tài trí của Đảng. Ngày 18-1-1940, trên đường từ nhà chị Hai Sóc ở làng Bà Điểm (Gò Vấp-Gia Định)-nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở lúc đó-đến cơ quan Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), mật thám Pháp đã vây bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn cùng nhiều cán bộ cách mạng. Tên Ba-zin-trùm mật thám Pháp ở Nam kỳ trực tiếp hỏi cung và tra tấn rất dã man đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhưng không có kết quả.

Rạng sáng ngày 28-8-1941, đồng chí cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng bị địch xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Tại pháp trường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ kiên quyết xé tấm băng đen bịt mắt và hô lớn “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm!”. Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới 29 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi, nhưng là một tấm gương cách mạng sáng ngời. Đồng chí đi vào lịch sử như một nhà lãnh đạo xuất sắc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, một chiến sĩ cộng sản có tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học nhạy bén, một nhà tổ chức và chỉ đạo thực tiễn lỗi lạc, sâu sát; một nhà chính trị có bản lĩnh kiên định, luôn kết hợp nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn; một nhà chỉ đạo chiến lược và sách lược tài tình, giải quyết chính xác, mau lẹ, đúng đắn, sáng tạo những vấn đề chính trị cực kỳ phức tạp, hợp quy luật, sát thực tiễn các mối quan hệ lớn, như quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, chiến lược và sách lược. 

Ngân Mỹ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ