A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn là câu chuyện “ta làm khổ mình”!

QPTĐ- Tuần qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 23 BBT-TW về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” bao gồm 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.

Hà Nội ùn tắc giờ tan tầm. 

Ảnh: Vnexpress

Ban Bí thư nhận định, trong thời gian qua, tai nạn giao thông có giảm nhưng chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, khu đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn; cần kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

Chỉ thị nêu rõ: Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp…ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.

Sự vụ ùn tắc giao thông hằng ngày và tai nạn giao thông vẫn còn cao là một vấn nạn, là nỗi bức xúc thường trực, kéo dài nhiều năm nay với người dân tham gia giao thông ở các thành phố, khu đô thị, ví như tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội. Vì sao vậy? 

Hãy xem, dịp Tết Nguyên đán, viên chức, người lao động, học sinh phổ thông được nghỉ 7-8 ngày; sinh viên, người học nghề được nghỉ 2 tuần (14 ngày), đường phố rộng thênh thang, người và phương tiện thong dong đi lại. Thành phố yên bình!

Lý do, không chỉ bởi người lao động không đến cơ quan, nhà máy và các cháu nhỏ không đến trường mà quan trọng hơn là hàng triệu sinh viên vẫn chưa đến trường, lớp; người đau yếu nhẹ chưa cần đến bệnh viện đầu ngành Trung ương khám bệnh. Vậy thì, nếu cả trăm trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn dời khỏi nội thành; một số trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ di dời ra các quận vệ tinh thì đâu phải đo đường dăm ba cây số cũng mất toi hàng tiếng đồng hồ?

Nhớ về ba thập niên trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giai đoạn 1991-1997) dẫn đầu đoàn chuyên gia các bộ, ngành đi thực địa, đến khu vực huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây (thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây) chỉ ra quy hoạch ba khu vực: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có khu đô thị, khu chuyên gia, bệnh viện, khu dân cư, ký túc xá sinh viên, trường mẫu giáo, trường phổ thông.

Đáp ứng việc di chuyển về trung tâm Thủ đô, đã có đường cao tốc Láng-Hòa Lạc hai chiều, mỗi chiều ba làn xe cơ giới, hai phía có đường gom dân sinh, xe ô tô thả phanh chạy 80-100 km/h. Con đường này được gắn biển Công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, hiện vẫn thưa thớt xe cộ đi lại, ngẫm mà thương cho cảnh ùn tắc giao thông tại các quận nội thành?

Chúng ta vô cùng biết ơn, ngưỡng mộ tầm nhìn xa của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Võ văn Kiệt, xứng danh tầm nhìn thế kỷ! Và nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc quy hoạch đô thị đối với các trường đại học, bệnh viện, khu sản xuất công nghiệp chuyển về đô thị Hòa Lạc thì không chỉ Hòa Lạc khang trang, đẹp đẽ mà trung tâm Thủ đô cũng được giảm tải nhiều về mật độ dân cư, giao thông.

Được biết, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIUP) đã đưa ra phương án đưa 12 bộ, ngành về khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, phương án tài chính cao nhất là 17.000 tỉ đồng, là khả thi. Nhưng cơ quan bộ dời đi phải trả lại đất cho Thành phố chứ nhỉ? Hà Nội có phương án di chuyển 117 cơ sở sản xuất khỏi 12 quận nội thành (giai đoạn 2016-2020) nhưng đến nay chưa được 1/3?

Dân chúng bàn tán nhiều đến nguyên nhân, có thể do tư duy nhiệm kỳ mà trên bảo dưới không nghe, quy hoạch không có sự kế thừa; vì lợi ích nhóm mà điều chỉnh quy hoạch... Nhưng từ thực tại, ta đừng làm khổ mình một lần nữa nhỉ?

Minh Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ