A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể can thiệp vào hoạt động tư pháp của Việt Nam

 

QPTĐ-Mới đây, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử 4 bị cáo là Nguyen Michael Phuong Minh (Việt kiều Mỹ), Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Huỳnh Đức Thịnh về tội “Không tố giác tội phạm”, trong đó, Nguyen Michael Phuong Minh bị kết án 12 năm tù giam. 

 

 

Đối tượng Nguyen Michael Phuong Minh bị kết án 12 năm tù giam

về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.


Vậy nhưng một số dân biểu Hoa Kỳ lại lên tiếng phê phán, đưa ra những đòi hỏi phi lý. Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam rút lại phán quyết và lập tức trả tự do vô điều kiện cho ông Nguyen Michael Phuong Minh. Hay mới đây nhất, ngày 25-7, vợ của Nguyen Michael Phuong Minh là Helen Nguyen lại kêu gào trước Hạ viện Hoa Kỳ, cho rằng: Chính quyền Việt Nam đàn áp những tiếng nói bất đồng, trong đó có những nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt như chồng bà.


Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định, việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán. Nhưng cũng không dung túng cho bất cứ ai coi thường pháp luật, xâm phạm an ninh trật tự quốc gia. Theo cáo trạng, do có tư tưởng bất mãn, chống lại Nhà nước Việt Nam nên từ đầu năm 2017, Nguyen Michael Phuong Minh, Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi cùng một số đối tượng khác đã sử dụng tài khoản Facebook và hộp thư điện tử cá nhân để câu kết với một số người nước ngoài nhằm trao đổi thông tin về tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam.

 

Tháng 8-2017, Nguyen Michael Phuong Minh nhập cảnh về Việt Nam để tạo quan hệ và tiếp tục trao đổi về các vấn đề được dư luận quan tâm. Sau đó, Phuong  Minh được Bình đưa đến giới thiệu với Lê Quốc Phong (hiện đã bỏ trốn) để gặp gỡ, kết bạn. Các đối tượng đã cùng nhau thành lập tổ chức "Quốc nội quật khởi" để trao đổi, bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, đồng thời tổ chức tuyên truyền, lập kế hoạch mua vũ khí, lôi kéo người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.


Mục đích của các đối tượng là gây bạo loạn nhằm tiến tới lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện ý đồ trên, Lê Quốc Phong đã lập nhóm "S.A.U" (hành động đặc biệt; ám sát bí mật). Phong thay mặt nhóm nhận từ Phuong Minh khoảng 2.000 USD để làm kinh phí và mua vũ khí cho tổ chức hoạt động.


Tối 30-6-2018, các đối tượng gặp nhau tại nhà Nguyễn Đức Thịnh ở Đồng Nai để bàn bạc, đồng thời phân công Bình, Phi chuẩn bị truyền đơn, bom xăng, ná bắn đá để tấn công lực lượng công an và trụ sở cơ quan Nhà nước. Các đối tượng còn lập kế hoạch DTJ 01 (biểu tình kết hợp với kẹt xe) dự định sẽ lôi kéo 100 người tham gia biểu tình, mua sắm vũ khí để chống trả lại cơ quan chức năng, chuẩn bị lương thực và nơi lẩn trốn để sử dụng trong thời gian dài. Ngày 3-7-2018, Phuong Minh, Bình và Phi đến Khánh Hòa và Huế để lôi kéo một số đối tượng tham gia cuộc biểu tình. Ngày 7-7, các đối tượng đang trên đường về lại Thành phố Hồ Chí Minh thì bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh mời làm việc. 


Với những chứng cứ rõ ràng, đứng trước tòa, cả 4 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và khẳng định không oan sai.


Như vậy, có thể thấy, việc một số dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng phê phán, đưa ra những đòi hỏi rất phi lý là không thể chấp nhận được. Đó rõ ràng là sự can thiệp vào hoạt động tư pháp của Việt Nam, vi phạm nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" được thông qua năm 1965 với việc "tuyên bố cấm can thiệp vào công việc nội bộ, bảo vệ độc lập và chủ quyền của các quốc gia" và nguyên tắc này còn được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế quan trọng khác như: Tuyên bố của Liên hợp quốc về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa năm 1960, Tuyên bố cuối cùng của hội nghị các nước Á Phi năm 1955 tại Băng-đung; Định ước Henxinki năm 1975, Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, Hiệp định Pari năm 1973 về lập lại hòa bình tại Việt Nam….


Hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm nói chung, tội xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng ở Việt Nam là do cơ quan tố tụng hình sự tiến hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự Việt Nam mà không một cá nhân, tổ chức trong nước, ngoài nước hay một quốc gia khác có thể can thiệp.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ