A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OPEC+ tự tin điều tiết giá dầu mỏ thế giới

QPTĐ-Trong phiên giao dịch tuần đầu tháng 8, giá dầu đã ở mức cao  nhất trong vòng 4 tháng với 6 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu WTI đóng cửa với mức tăng 2,78% lên mức 82,82 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 2,17% lên mức 86,24 USD/thùng. Đây là mức giá “trong mơ” của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) với hàng loạt biện pháp quyết tâm giữ giá dầu ở mức cao, sau 6 tháng đầu năm nay, dầu mỏ chỉ ở mức trên dưới 60 USD/thùng.

OPEC+ thắt chặt nguồn cung, hỗ trợ giá dầu.

Nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng cao là quyết định gia hạn cắt giảm tự nguyện khai thác, cung ứng dầu ra thị trường của các nước thành viên OPEC+, sau cuộc họp chính sách của Bộ trưởng các quốc gia OPEC+ dịp tháng 6 vừa qua, trong đó Arab Saudi giảm 1 triệu thùng (tháng 8-9/ 2023); Nga cắt giảm 500.000 thùng/ngày (tháng 8) và 300.000 thùng/ngày (tháng 9); Algeria giảm 20.000 thùng/ngày từ tháng 8/2023. Tại cuộc họp trực tuyến (ngày 4/8), Ủy ban giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC+ đã quyết định giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng hiện thời của liên minh.

Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ không bao gồm số cắt giảm bổ sung nói trên đã lên tới 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, khiến thị trường thâm hụt nguồn cung. Giải pháp thắt chặt nguồn cung của OPEC+ (tổ chức do Nga và Arab Saudi dẫn dắt) đã khiến mặt hàng “vàng đen” này tăng giá hơn 14% ngay trong tháng 7. Ngoài việc quan ngại nguồn cung ít đi thì nhu cầu sử dụng của các nền kinh tế toàn cầu đang ấm lại cộng với những lo ngại về tác động của lãi suất tăng và lạm phát cao đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến giá dầu tăng mạnh. 

Arab Saudi kỳ vọng, giá dầu sẽ chạm mốc 90 USD/thùng trong tháng tới và 100 USD/thùng vào năm 2024 để đủ sức trang trải các khoản chi tiêu lớn, đầy tham vọng của chính phủ nước này. Là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Arab Saudi cam kết, sẽ cân nhắc gia hạn thêm hoặc cắt giảm sâu hơn nếu cần thiết. Quyết tâm này của Arab Saudi được Nga ủng hộ, nhằm giữ giá dầu ở mức cao. Đây cũng là hai quốc gia có nguồn thu ngân sách lớn từ xuất khẩu dầu khí.

Việc OPEC+ thắt chặt nguồn cung, hỗ trợ giá dầu được xem là cuộc chiến năng lượng thách thức những nỗ lực của Mỹ, không chỉ là tuyên chiến với công nghệ khai thác dầu đá phiến Mỹ mà còn tác động đến cả thị trường vật chất và tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Tại Mỹ, Hãng Dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan dầu khí giảm trong tháng thứ 8 liên tiếp, thêm 5 cơ sở xuống còn 664 giàn, thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Tồn kho tại Trung tâm lưu trữ ở Cushing, bang Oklahoma (Mỹ) giảm 7,5 triệu thùng trong 4 tuần qua, đẩy kho dự trữ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5. Trong khi đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II đạt mức tăng 2,4% so với quý đầu năm (dự báo chỉ tăng 1,8%). 

Khu vực châu Âu, một số nền kinh tế đã lấy lại tăng trưởng, Pháp và Tây Ban Nha tăng trưởng GDP lần lượt là 0,5% và 0,4%. Trung Quốc-nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, cũng là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, đưa ra cam kết, tăng cường hỗ trợ chính sách kinh tế, mang lại tâm lý lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu vào những tháng cuối năm và hỗ trợ giá cho “vàng đen”.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga vẫn ở mức cao (chiếm 20% tổng mức), bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Moskva. Nếu như năm 2022, tổng lượng dầu thô Trung Quốc nhập của Nga tăng 8% so với năm trước đó, tăng lên 10,5 triệu thùng/ngày (tháng 5) và 12,7 triệu thùng/ngày (tháng 6-7), cao nhất trong lịch sử. 

Tính chung, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập hơn 50 triệu tấn dầu từ Nga (xếp vị trí số 1). Trung Quốc nhập 46 triệu tấn dầu từ Arab Saudi (số 2) và 29 triệu tấn từ Iraq (số 3).  Nếu loại trừ mối quan hệ đồng minh về kinh tế và sự hợp tác, thuộc lẫn nhau của Nga-Trung thì dầu thô của Nga giá rẻ hơn 9 USD/thùng (năm 2022) và 11 USD/thùng vào thời điểm hiện tại, so với dầu của Arab Saudi. Đó là chưa kể chính sách kinh tế cởi mở và chiết khấu cao của Nga. 

Tuy nhiên, “Bắc Kinh đang có xu hướng cân bằng các nguồn cung, thay vì phụ thuộc vào một quốc gia”. “Dự trữ dầu thô đang tăng lên ở Trung Quốc cho thấy, nước này đang chuẩn bị cho đà phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023”-Chuyên gia kinh tế Hãng Năng lượng R.Energy M.Sahdev nhận định và dự báo: Lợi thế dầu giá rẻ của Nga cho phép các công ty lọc dầu của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường và gây áp lực lên các nhà sản xuất nhiên liệu khu vực, như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Ấn Độ cũng là nhà nhập khẩu dầu mỏ số lượng lớn. Nguồn năng lượng từ Nga chiếm 43% tổng nguồn cung cho Ấn Độ, với trung bình 1,9 triệu thùng/ngày (trong tổng số 4,7 triệu thùng/ngày) tháng 7 và những tháng đầu năm nay, trong khi lượng dầu nhập từ Arab Saudi là 484.000 thùng/ngày. Trong 5 tháng đầu năm nay, New Delhi nhập 37 triệu tấn dầu của Nga, nhiều hơn cả năm 2022. Là quốc gia nông nghiệp, năm qua, Ấn Độ còn nhập khẩu 34 triệu tấn phân bón vô cơ từ Nga. 

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ của Nga giảm nhẹ nhưng 2 nước này vẫn là điểm đến của 80% số dầu xuất khẩu của Moskva. Tháng 7 vừa qua, sản lượng dầu thô của Nga chỉ đạt 9,4 triệu thùng/ngày, giảm 0,5 triệu thùng/ngày như cam kết nhưng doanh số vẫn đạt 15,3 tỉ USD, giá tăng thêm 8,8 USD/thùng, ở mức 64,4 USD/thùng, tăng gần 20% so với tháng trước đó. Ước tính, Nga vẫn bảo đảm nguồn thu từ dầu mỏ khoảng 250-300 tỉ USD trong năm nay, bất chấp lệnh cấm vận và áp trần giá dầu của G7, phương Tây.

Các quan chức Arab Saudi dự báo, đến khoảng 20-30 năm tới, dầu mỏ vẫn là nguồn nhiên liệu chủ yếu trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù thế giới đang nỗ lực trong các hoạt động tìm nguồn năng lượng xanh, nhiên liệu sạch thay thế. 

Cuộc chiến năng lượng do Mỹ phát động, lôi kéo phương Tây tham gia, dù bao vây Nga hay cạnh tranh với OPEC+ cũng khó đạt được mục đích như mong muốn, nếu không muốn nói đến hậu quả khôn lường-châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát và thất nghiệp leo thang, giảm tăng trưởng kinh tế, thậm chí châm ngòi xung đột, nguy cơ bùng nổ Thế chiến III! 

Nhật Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ