A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới chuyên gia, nhà khoa học góp ý sửa đổi Luật Thủ đô

QPTĐ-Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012, sau hơn 10 năm thực hiện, đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, với nhiều vấn đề mới đặt ra. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển Thủ đô là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay. Bên lề Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức vừa qua, phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô ghi lại ý kiến đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu thuộc các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội:

Cần tư duy mới về mô hình “thành phố thuộc thành phố”

Đặc điểm tự nhiên, đặc trưng lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và đặt trong bối cảnh phát triển mới là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu bức thiết việc hình thành các đô thị vệ tinh.

Khoản 5, Điều 3, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định: Đô thị vệ tinh là đô thị gồm các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội, phường, thị trấn có khoảng cách, không gắn liền với đô thị trung tâm, được xác định trong Quy hoạch chung Thủ đô; có chức năng hỗ trợ cho đô thị trung tâm. Về phương diện lý thuyết, đô thị vệ tinh có chức năng hỗ trợ cho đô thị lõi (trung tâm). Vì vậy, trên phương diện quy hoạch, kiến trúc đô thị vệ tinh vừa có tính kết nối, vừa có tính độc lập trong sự tương tác với đô thị trung tâm.

Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Đặc biệt là đối với mô hình “thành phố thuộc thành phố” cần phải tư duy rất mới với thực tiễn pháp luật hiện hành. Trong tương lai, theo Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hai thành phố thuộc thành phố Hà Nội sẽ hình thành, đó là thành phố ở khu vực phía Bắc gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn và thành phố ở khu vực phía Tây gồm đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai. Khi đề cập đến mô hình này đối với Hà Nội, phải được tổ chức theo mô hình phân quyền nhằm đảm bảo cho quản trị đô thị mới có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt. Việc thành lập thành phố thuộc thành phố Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh, nhưng với các quy định như Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa phản ánh được nét riêng đặc thù này. Thành phố thuộc thành phố cần được phân quyền hơn nữa. Thành phố thuộc thành phố trong mối quan hệ với đô thị lõi là quan hệ kết nối, không phải là phần mở rộng. Bởi vậy, cần xử lý tốt mối quan hệ để thành phố theo mô hình này không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:

Đề xuất những giải pháp vượt trội để phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô

Muốn phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, ngoài các giải pháp về chính trị, kinh tế, cần xác định giáo dục toàn diện là nền tảng, là con đường để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu này. Vì vậy, công tác quy hoạch cần có tầm nhìn và dự báo đúng mức. Trong quy hoạch Thủ đô, cần xác định rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất, đồng thời bố trí đất cho xây dựng trường học. Cùng với đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 Luật Giáo dục qua các thời kỳ đã xác định rõ hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông. Để bảo đảm tính chất “đa mục tiêu” của nền giáo dục, không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà cần thực hiện giải pháp “xã hội hóa”. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương được thực hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Cần có điều khoản cụ thể trong Dự thảo Luật đối với vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, có chính sách ưu tiên, cả về đất đai, thuế và quyền tự quyết trong xây dựng mô hình, tổ chức thực hiện.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội:

Ban hành các chính sách sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

Trong lĩnh vực y tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần quán triệt các quan điểm, định hướng trong Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong lĩnh vực y tế phải xuất phát từ thực trạng, tính đặc thù, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô qua từng giai đoạn cụ thể.

Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Đồng thời, cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, tính đặc thù của địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung cơ chế chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi khi tuyến y tế dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Dự thảo Luật cũng cần làm rõ hơn việc xây dựng hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình gắn với cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội.

Điểm d, khoản 7, Điều 26 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “Việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến trên thế giới đối với các cơ sở y tế của Thủ đô trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của Hội đồng thẩm định do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập. Kỹ thuật và công nghệ y tế là lĩnh vực chuyên môn sâu, đặc thù nên cần thiết phải do các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn thẩm định. Vì vậy, nên trao nhiệm vụ thành lập “Hội đồng thẩm định” cho Sở Y tế (thay vì do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập). Y tế là lĩnh vực chuyên môn đặc thù, do đó, trong khoản 7, Điều 26 dự thảo Luật, cần cân nhắc để giao cho Sở Y tế ban hành các quy định, chỉ đạo triển khai và giám sát các hoạt động, thay vì tất cả đều do Ủy ban nhân dân Thành phố đảm nhiệm. Điều này cũng phù hợp với hệ thống quản lý trong lĩnh vực y tế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội:

Bổ sung những chính sách đặc thù phát triển đô thị

Trên cơ sở kế thừa Điều 13 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 25 trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số cơ chế đặc thù để phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô như: Cơ chế ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô; quy định phân quyền cho UBND Thành phố được chủ động trong việc quy định và thực hiện các cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ; cơ chế liên kết với các cơ sở đại học và doanh nghiệp hàng đầu thông qua việc đặt hàng các đề tài nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ; bổ sung quy định về Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Nội dung như vậy cơ bản đầy đủ, song chúng tôi đề xuất bổ sung thêm quy định phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội thiết lập cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn và đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp văn hóa… hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Về một số chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung thêm mô hình phát triển đô thị theo hướng hành lang xanh dọc sông Hồng… Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, mà còn phải hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã (thị trấn hay đô thị loại 5) tại các huyện ngoại thành, các trung tâm dịch vụ tiêu dùng cấp cao, trung tâm thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trung tâm du lịch, hỗ trợ các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đây xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn mới xanh, hiện đại gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề và hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã hay trung tâm tiểu vùng của Vùng Thủ đô.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại:

Tạo cơ chế thuận lợi huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô

Khoản 7, Điều 37 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này. Phương án 2: Không quy định nội dung này tại dự thảo Luật Thủ đô mà sẽ nghiên cứu quy định tại Luật Ngân sách nhà nước khi Luật này sửa đổi, bổ sung.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại.

Theo quan điểm của chúng tôi, phương án 1 sẽ là phù hợp hơn cả nhằm tạo cơ chế rõ ràng, thuận lợi cho Thủ đô có nguồn lực đầu tư, phát triển. Đồng thời, về huy động nguồn lực tài chính cho Thủ đô, chúng ta cần tiếp cận theo hướng, Luật Ngân sách Nhà nước là luật chung, quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các địa phương. Luật Thủ đô là luật riêng, có thể quy định những nội dung mang tính đặc thù. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc công nhận tính đặc thù, ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô khi có sự khác biệt liên quan đến huy động ngân sách của chính quyền thành phố Hà Nội. Việc quy định theo hướng này sẽ đảm bảo nội dung về huy động nguồn lực tài chính trong Luật Thủ đô, vừa phù hợp Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:

Xác định rõ di sản cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, bảo tồn

Điểm 2, Điều 23, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định: Các khu vực, di tích và di sản văn hóa sau đây phải được tập trung nguồn lực để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: Khu vực Ba Đình; Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di tích quốc gia đặc biệt khác trên địa bàn Thủ đô; Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây; phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu; biệt thự cũ, nhà cổ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954; các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh trên địa bàn Thủ đô.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nếu xác định di sản văn hóa đều là đối tượng để tập trung nguồn lực bảo vệ như dự thảo Luật đưa ra, thì với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê, kinh phí để bảo tồn sẽ rất lớn. Việc tập trung nguồn lực chỉ nên tập trung vào các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực…) là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Cần phải tạo ra những sản phẩm từ chính những giá trị văn hóa đó để không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, mà còn thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển.

Là một cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn hóa, chúng tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa để mục tiêu “kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô” có thể trở thành hiện thực.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

Bổ sung toàn diện các quy định liên quan đến nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường Thủ đô giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của thành phố Hà Nội. Các chủ trương lớn của Đảng và Thành phố đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều điểm mới quy định về nông nghiệp sinh thái, bổ sung toàn diện các quy định đến nông nghiệp và một số cơ chế chính sách đặc thù cao hơn các quy định của Trung ương nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp Thủ đô…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, chúng tôi đề xuất bổ sung một số quy định vào dự thảo Luật về các nội dung: Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp; khuyến khích nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị bền vững; tỷ lệ cây xanh, mặt nước đối với các khu đô thị mới; ngân hàng đất đai; bảo tồn, phát triển diện tích đất nông nghiệp có giá trị cao trong quy hoạch phát triển Thành phố; đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nền nông nghiệp đô thị của Thủ đô với yêu cầu cao hơn về chất lượng, giá trị và công nghệ vận hành, quản lý. Cùng với đó, một số nội dung về quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng cần được nghiên cứu, bổ sung. Đặc biệt là việc tạo hành lang pháp lý để khai thác nguồn lực tri thức và khoa học công nghệ của các trường đại học, viện nghiên cứu tập trung tại Thủ đô.

Mạnh Quang

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ