A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế-xã hội TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ

QPTĐ-Chiều 28-6, Cục Thống kê thành phố Hà Nội tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023. Đồng chí Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố chủ trì họp báo. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành Thành phố, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Thông tin tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Thành phố, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo.

Đồng chí Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023.

Kết quả nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,95%; quý II tăng 5,98%). Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, mức tăng trưởng trên với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận. Trong đó, khu vực dịch vụ ước tính tăng 7,54%; công nghiệp và xây dựng tăng 3,28%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, dịch bệnh được kiểm soát. Trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn do đầu ra, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, song tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 2,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%; chỉ số tiêu thụ giảm 1,3%. Đối với lĩnh vực đầu tư và xây dựng, 2 quý đầu năm, Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 2,3 tỷ USD.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương giải đáp một số nội dung tại buổi họp báo.    

Về hoạt động của doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn Thành phố tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; 65,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II ở mức ổn định và tốt hơn so với quý I; 75,1% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn trong quý III/2023.

Đặc biệt, Quý II/2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực du lịch Thủ đô có nhiều khởi sắc. Ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch Hà Nội. 6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) hơn 2,2 triệu người. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 1,4 triệu lượt người, gấp 6,1 lần cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tăng trưởng thương mại và dịch vụ.

Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cũng luôn được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Hoạt động hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thành phố đã tặng gần 1,8 triệu suất quà cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, công nhân, viên chức lao động đã nghỉ hưu, mất sức, với tổng số tiền 834,8 tỷ đồng, đạt 150,6% kế hoạch năm, tăng 15,4% (mức quà trung bình tăng 24,2%) so với quà tặng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.  Đặc biệt, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 11,2 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29,9 nghìn trường hợp với kinh phí 41,8 tỷ đồng…

Thời gian tới, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2023, theo đồng chí Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê, Thành phố cần thực hiện tốt một số giải pháp; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích; dự án nhà ở xã hội. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai, nhân lực, tăng cường xúc tiến thương mại. Đồng thời, khai thác và phát huy thị trường nội địa, tổ chức hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Thành phố cần thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công, đối tượng trợ giúp xã hội. Theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ...

Ngọc Quang

                                                    


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ