A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ

QPTĐ-Chiều 3-11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TƯ, ngày 7-01-2019, của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Các đại biểu dự hội nghị.

Triển khai sâu rộng

Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội từ Thành phố đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức, nội dung và phương thức tiến hành công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân. Qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Bộ đội Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội giúp nhân dân thu hoạch lúa.

Theo báo cáo, Thành ủy Hà Nội đã sớm ban hành Kế hoạch số 89-KH/TU, ngày 05/6/2013; Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 15/7/2013, Kế hoạch số 140-KH/TU, ngày 23/5/2019 và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác dân vận. Tổ chức 09 lớp học tập, quán triệt Nghị quyết, Kết luận đối với cán bộ chủ chốt Thành phố; đội ngũ báo cáo viên Thành phố; các phóng viên báo, đài, bản tin Thành phố; lãnh đạo các hội và đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô. Thường xuyên chỉ đạo định hướng, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền về công tác dân vận và các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện công tác dân vận, Phong trào thi đua “Dân vận khéo”; quan tâm hướng dẫn nội dung giảng dạy, bồi dưỡng về công tác dân vận tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã.  

Các cấp chính quyền từ Thành phố tới cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, nhất là Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1-10-2021 của Thành ủy “Về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước”, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, HĐND các cấp Thành phố có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô. UBND Thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính và triển khai quyết liệt, bài bản thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ năm 2013 đến nay, cấp Thành phố đã tổ chức 2.514 cuộc giám sát, 144 hội nghị phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức 21.100 cuộc giám sát, 1.499 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 68.463 cuộc giám sát, 11.742 hội nghị phản biện xã hội...

Đáng chú ý, các phong trào thi đua yêu nước gắn với Phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Từ năm 2013 đến nay, có 95.964 mô hình “Dân vận khéo” các cấp được đăng ký triển khai. Qua đó, nhiều mô hình nhân rộng; nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ mà Thành uỷ Hà Nội đã triển khai trong 10 năm qua. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Phạm Tất Thắng đề nghị hệ thống Dân vận Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác dân vận; thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với nhân dân”. Từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết của nhân dân.

Bám sát nhiệm vụ công tác dân vận

Phát biểu tham luận đóng góp vào thực hiện công tác dân vận và phát huy Phong trào “Dân vận khéo” của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, tình hình quốc tế, trong nước và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã có những biến động sâu sắc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa công nghệ và mạng xã hội, thành phố Hà Nội với vai trò là Thủ đô cũng chịu nhiều áp lực lớn về tốc độ gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Cũng trong 10 năm qua, Trung ương đã ban hành thêm nhiều quy định mới về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hàng loạt các quy định về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Nhiều văn bản liên quan đến việc phát huy dân chủ trong xã hội; triển khai công tác dân vận chính quyền cũng đã được ban hành… Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TƯ và Kết luận 43-KL/TƯ. Quá trình triển khai của Thành phố cũng có nhiều điểm sáng tạo, phù hợp thực tiễn của Thủ đô, qua đó góp phần củng cố niềm tin của dân với Đảng, chế độ; tăng cường sự gắn bó mật thiết của Đảng với nhân dân, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận.

Thành phố Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát về những nội dung liên quan tới đời sống kinh tế-xã hội của người dân. Thành phố đã ban hành và triển khai Bộ chỉ số CCHC của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố; ban hành khung chỉ số đánh giá kết quả CCHC áp dụng đối với UBND xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố. Chỉ đạo thực hiện điều tra xã hội học, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính hàng năm.

Tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ.

Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Chỉ đạo 113 Tổ công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không tham gia sinh hoạt tôn giáo trái phép, khiếu kiện tập trung đông người. Tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố tổ chức 13 Đoàn đại biểu đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Phát huy vai trò là cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức làm công tác dân vận của lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong tuyển quân, nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ. Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn, các lực lượng chức năng của Thành phố về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các kỳ, cuộc và hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, từ đó khơi lên khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại"; đồng thời khẳng định, việc triển khai công tác dân vận "không thể đi một mình" mà phải kết hợp chặt chẽ với các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng như: Tư tưởng, đạo đức, tổ chức và kiểm tra giám sát. Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các quận, huyện rà soát các hương ước, quy ước của các làng xã đã có từ hàng trăm năm để gìn giữ và phát huy vai trò tự quản của các thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư. Cùng vói đó, Ban Dân vận Thành ủy cần nghiên cứu, xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể để ứng dụng khoa học công nghệ, mạng xã hội vào việc triển khai công tác dân vận trong tình hình mới. Mục tiêu là để người dân nắm bắt được các thông tin chính thống một cách nhanh nhất, phổ biến nhất; qua đó, nắm bắt kịp thời tâm tư, diễn biến và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Việt Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ