A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Lực lượng vũ trang Thủ đô

 

QPTĐ-Hà Nội không phải là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng Hà Nội là nơi Đại tướng gắn bó lâu nhất trong cuộc đời mình. Đại tướng cũng chưa một lần là chỉ huy trực tiếp của LLVT Thủ đô, nhưng dấu ấn của Đại tướng với LLVT Thủ đô lại rất đậm nét, đặc biệt là trong 2 chiến thắng lịch sử của quân dân Thủ đô Hà Nội: Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân địch trong thành phố và “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

 

 

Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm, chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp

nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5 năm 2009).

 

Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm


Sang năm 1946, tình hình diễn biến phức tạp, việc thống nhất lực lượng tự vệ toàn thành dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, giáo dục LLVT ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, chủ động đối phó với mọi âm mưu mới của địch ngày càng trở nên cấp bách. Ngày 29-8-1946, Lễ thống nhất lực lượng tự vệ toàn thành được cử hành tại khu Đấu Xảo. Hơn một vạn tự vệ thành, tự vệ chiến đấu có mặt với đội ngũ chỉnh tề. Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đại biểu chính quyền, đoàn thể thành phố Hà Nội đã đến dự. Ngay từ lúc này, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu đã sớm nghĩ tới việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các thành phố khác. Bộ Tổng tham mưu tập trung nghiên cứu cách đánh trong thành phố, cách đánh xe tăng, thiết giáp, cách phá hoại đường xá. 


Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp thường xuyên làm việc với Bộ Tổng tham mưu và Bộ Chỉ huy Mặt trận thành phố Hà Nội về kế hoạch tác chiến cho Thủ đô Hà Nội và chung cho các thành phố khác. Cuối tháng 11-1946, trong một cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng với Bộ Chỉ huy và Ủy ban bảo vệ chiến khu Đặc biệt Hà Nội (Khu 11) mới thành lập, có mặt các đồng chí: Vương Thừa Vũ-Chỉ huy trưởng, Trần Độ-Chính ủy, Trần Quốc Hoàn-Phái viên của Trung ương theo dõi Mặt trận Hà Nội, Nguyễn Văn Trân-Chủ tịch Ủy ban bảo vệ, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp trình bày nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo chỉ thị của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng: 


1. Phải tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quân địch, giam chân chúng càng lâu càng tốt ở Hà Nội, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào chiến tranh.
2. Đi đôi với tiêu diệt địch phải giữ gìn lực lượng ta. Theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng với toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.
3. Thủ đô Hà Nội phải nêu cao tinh thần anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, lực lượng công an. Đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.


Từ những đặc điểm về địch và ta tại Thủ đô và trên cả nước, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp nêu lên biện pháp tác chiến chủ yếu là: “Sử dụng lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình địa vật ở từng khu phố, dựa vào những nhà có kiến trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố, đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ”.


Khi những phát pháo đầu tiên từ Pháo đài Láng nã vào thành Hà Nội, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu tối 19-12-1946, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy đang ở làng Tây Mỗ, Từ Liêm. Sáng 20-12, ông đã xuống thăm mặt trận phố Khâm Thiên cùng Tư lệnh mặt trận Vương Thừa Vũ, để đưa ra nhiều kinh nghiệm quý báu về đánh địch cho bộ đội và tự vệ.


 Sau Tết Nguyên đán, ngày 29-1-1947, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã gặp Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội tại Tây Mỗ để bàn về việc đưa bộ phận còn lại của Trung đoàn Thủ đô ra ngoài, sau khi hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra là cầm chân địch.


Trong thư gửi Trung đoàn Thủ đô sau khi Trung đoàn rút quân an toàn khỏi vòng vây quân Pháp ngày 18-2-1947, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp viết: “Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội... Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm, hay lâu hơn nữa, nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất. Ta thề: Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!...”.  Và sau “Chín năm làm một Điện Biên; Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”


Tháng 12-1972, Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và cơ quan Tổng hành dinh làm việc suốt ngày đêm trong Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Hai ngày trước khi Mỹ dội bom, Bộ Tổng Tư lệnh đã chuyển lực lượng vũ trang 3 thứ quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Bộ đội Ra đa phòng không và đơn vị trinh sát kỹ thuật Cục Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu đã sớm phát hiện chính xác cuộc tập kích đường không chiến lược của địch. Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy cùng các đồng chí lãnh đạo khác chỉ huy chiến lược phòng không quy mô lớn nhất, quyết giành thắng lợi buộc Mỹ phải thua trên bầu trời Hà Nội, theo đúng ý nguyện của Bác Hồ. Đại tướng đã chỉ thị cho các đơn vị phòng không Hà Nội: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.


Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị phòng không quốc gia, Đại tướng còn quan tâm thăm hỏi, động viên LLVT và nhân dân Thủ đô vượt qua đau thương, mất mát, chắc tay súng, bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội. Sáng 23-12, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến trận địa Vân Đồn (bãi cát sông Hồng) thăm, khen ngợi, chụp ảnh với Đại đội tự vệ súng máy phòng không (14,5 mm) vừa bắn rơi một chiếc máy bay F111A, cánh cụp, cánh xòe, rất hiện đại của Mỹ. Đêm 26-12, cả khu phố Khâm Thiên trúng bom B-52 bị thiệt hại nặng nề, Đại tướng đã đến hiện trường động viên, chia sẻ đau thương, mất mát với nhân dân. Đại tướng chỉ thị cho bộ đội Phòng không-Không quân bắn rơi thật nhiều B-52 để trả thù cho đồng bào. Bộ Tư lệnh Quân chủng hứa với Đại tướng: Bộ đội Phòng không và Không quân quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Đại tướng.


Do thua đau trên bầu trời Hà Nội, ngày 30-12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đại tướng-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã duyệt và cho công bố bản thông cáo chiến thắng; biểu dương chiến công oanh liệt của quân dân ta, tuyên dương công trạng các quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an nhân dân, dân quân tự vệ và đồng bào địa phương, đặc biệt là quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, đánh rất giỏi, thắng rất to.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng dấu ấn của vị Tổng Tư lệnh vĩ đại của QĐND Việt Nam sẽ mãi mãi còn lưu giữ với Thủ đô. Và cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô nguyện sẽ làm theo lời Đại tướng căn dặn trong dịp Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thăm, chúc sức khỏe Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 55 năm Giải phóng Điện Biên, tháng 5 năm 2009: “Cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô cần phát huy truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội”.

 

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ