A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh bom ở Nga và mối đe dọa khủng bố châu Âu?

 

Nước Nga chìm ngập trong bầu không khí đau thương bởi vụ đánh bom chiều ngày 3/4 trên đoàn tàu điện ngầm đang di chuyển giữa 2 ga Sennaya Ploshchad và Tekhnologichesky Institute tại thành phố St.Petersburg làm 14 người thiệt mạng, gần 50 người khác bị thương. Cảnh sát đã kịp phát hiện và vô hiệu hóa quả bom tự tạo thứ 2 được ngụy trang dưới dạng bình cứu hỏa tại ga tàu Ploshchad Vosstanaya nối tuyến đường từ St.Petersburg đến Thủ đô Moskva.

 

 

Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ đánh bom.

 

Tuyên bố từ Ủy ban Điều tra Nga cho biết: Đã tìm thấy phần thi thể kẻ đánh bom liều chết, xác định đó là A.Jalilov, 23 tuổi, sinh ra ở thành phố Osh, nước Cộng hòa Kyrgyzstan, sau được chuyển đến Nga sinh sống, mang quốc tịch Nga. Cảnh sát đã phát lệnh truy nã 1 nghi phạm và bắt giữ 8 nghi can khác. Được biết, A.Jalilov làm đầu bếp món sushi ở một nhà hàng Nga, có liên hệ mật thiết với những người Hồi giáo cực đoan mặc dù “hắn không bao giờ cầu nguyện”-Những người sống  gần A.Jalilov nhận xét. Kyrgyzstan là quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, nay là đồng minh chính trị của Nga, đã tuyên bố độc lập năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Nga đang duy trì 1 căn cứ không quân ở quốc gia này. Kyrgyzstan có 6 triệu dân chủ yếu là người theo đạo Hồi. Hiện, có khoảng 500 chiến binh Kyrgyzstan đến Syria tham gia các tổ chức khủng bố như IS, Al-Qadea…

 

Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố này. Cơ quan Điều tra Nga đang hướng sự nghi vấn vào những nhóm tàn dư của phiến quân Chechya-Một vùng lãnh thổ Hồi giáo phía Nam mà Nga đã bình ổn từ năm 2009; hoặc các phần tử thánh chiến Hồi giáo tại khu vực Bắc Caucasus, đã tấn công bom trên lãnh thổ Nga. Ngoài ra, không thể không chú ý đến các chiến binh nói tiếng Nga trở về từ Syria thề trung thành với Hồi giáo IS?

 

Có lẽ không phải vô tình, vụ đánh bom lại được tổ chức ở St.Petersburg trong khi Tổng thống Nga V.Putin đang ở thăm thành phố này. Ngay sau thảm họa xảy ra, Tổng thống Nga đã tới hiện trường đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Ngày 4/4, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Thông báo riêng, chia buồn với các gia đình nạn nhân, Chính phủ và nhân dân Nga, kêu gọi các nước hợp tác với Nga điều tra sớm vụ việc, đưa thủ phạm và những kẻ tài trợ khủng bố ra trước công lý. Tổng thống Mỹ D.Trump gọi vụ tấn công là “điều khủng khiếp” và nhấn mạnh, sẽ hỗ trợ Nga sớm đưa kẻ thủ ác ra xét xử. Tổng thống Pháp F.Hollande, Thủ tướng Đức A.Markel, Thủ tướng Đan Mạch L.Rasmussen, Thủ tướng Anh Th.May, Cao ủy EU về an ninh-đối ngoại, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và lãnh đạo nhiều nước lên án hành động bạo lực, gửi điện chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Nga.

 

Thật ra, giới lãnh đạo Nga cũng không hề chủ quan trước các mối đe dọa khủng bố nhằm vào nước Nga, nhất là từ khi Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga tham chiến ở Syria (từ 30/9/2015). Mấy năm qua, nước Nga đã phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố kinh hoàng, cướp đi sinh mạng hàng trăm người. Vụ đánh bom liều chết vào giờ cao điểm ở ga tàu điện ngầm Moskva (6/2/2004) làm 41 người thiệt mạng. Vụ khủng bố bắt giữ 1.100 người làm con tin ở Trường Trung học Beslan (1-3/9/2004) khiến 330 người thiệt mạng, có 186 trẻ em. Hai vụ đánh bom liên hoàn tàu điện ngầm Moskva (29/3/2010) do phiến quân Caucasus Emirate tổ chức làm 41 người tử vong, hơn 100 người bị thương. Đánh bom liều chết ở sân bay Domodedovo (24/1/2011) làm 37 người chết, hàng trăm người khác bị thương. Hai kẻ tự nhận là Hồi giáo IS dùng súng và rìu tấn công đồn cảnh sát ở Balashika, gần Moskva (19/8/2016) làm 2 cảnh sát thương vong. Máy bay A321-Nga bị IS gài bom nổ tung trên bán đảo Sinai, Ai Cập (31/10/2015) làm 224 người chết, chủ yếu là người Nga. Đây là thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử hàng không nước Nga!

 

Không chỉ ở nước Nga, phiến quân quốc tế tổ chức nhiều cuộc khủng bố đẫm máu gây tang thương, chết chóc cho hàng chục ngàn sinh mạng. Nếu như đánh bom liều chết xảy ra như cơm bữa ở Iraq, Syria, Libya, Afhganistan thì vụ “Nước Mỹ bị tấn công” ngày 11/9/2001 do trùm khủng bố Billaden chỉ huy đánh vào Tòa Tháp đôi và Lầu Năm Góc làm gần 3.000 người thiệt mạng, khiến nước Mỹ và thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng!

 

Trong hơn hai thập kỷ qua, châu Âu không còn là đất thánh bình yên. Hàng chục vụ khủng bố đẫm máu đã được ghi vào dấu tích đau buồn nhất của Lục địa già. Đó là vụ đánh bom ở ga tàu hỏa Bologna, Italy (2/8/1980) làm 85 người chết, 200 người bị thương. Vụ đánh bom xe hơi tại Trung tâm mua sắm ở Barcelona, Tây Ban Nha (19/7/1987) khiến 21 người tử vong, 45 người bị thương. Đánh bom đẫm máu ở Bắc Northern Ireland, Anh (15/8/1998) làm 29 người thiệt mạng, 220 người bị thương. Tổ chức Al-Qaeda cài bom trên 4 chuyến tàu hỏa tại Madrid, Tây Ban Nha (11/3/2004) cướp đi sinh mạng 191 người, 2.000 người khác trọng thương. Al-Qaeda tổ chức 4 vụ tấn công trên 3 tàu điện ngầm và xe buýt tại London, Anh (7/7/2005) làm 56 người thiệt mạng, 700 người bị thương. Gài bom ở Thủ đô Oslo, Na Uy (22/7/2011) làm 8 người chết và xả súng tại một hội trại trên đảo Utoya 69 thanh, thiếu niên thiệt mạng. Hai kẻ khủng bố xả súng sát hại 12 người (nhà báo, cảnh sát) tại Tòa báo Charlie Hebdo, Thủ đô Paris, Pháp (7/1/2015). Tiếp đó (13/11/2015), phiến quân IS tổ chức 7 vụ tấn công liên hoàn tại Thủ đô Paris, Pháp khiến 129 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương. Đây là vụ khủng bố có quy mô và thiệt hại về người lớn nhất trong 40 năm gần đây tại châu Âu! Chưa hết, năm 2016, hàng chục vụ khủng bố kinh hoàng vẫn tiếp diễn. Đánh bom tại Brussels, Bỉ (22/3) làm 35 người chết, 300 người bị thương. Tấn công bằng xe tải lao vào đám đông ở Nice trong ngày Quốc khánh Pháp (14/7) khiến 87 người tử vong, 434 người bị thương. Vụ lao xe ô tô vào đám đông tại Khu chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức và vụ ám sát Đại sứ Nga A.Karlov ở Thổ Nhĩ Kỳ (19/12). Mới đây nhất (22/3), 1 kẻ khủng bố lao xe vào Tòa nhà Quốc hội Anh, dùng dao đâm cảnh sát làm 5 người tử vong, hàng chục người khác bị thương.

Nước Mỹ bị tấn công! Nước Nga trở thành mục tiêu của khủng bố! Châu Âu không còn bình yên! Dường như đó là thông điệp quân khủng bố quốc tế muốn cảnh báo các nước. Và Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia sát cánh bên nhau chống khủng bố quốc tế!

 

Hà Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ