“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”

"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt
Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đến miền Trung…”
và…
“Trái tim phương Nam luôn hướng về phương Bắc
Ở đó Bác Hồ Người gọi, ơi miền Nam!”
QPTĐ-Có lẽ mỗi khi nghe nhạc phẩm “Miền Trung nhớ Bác” của nhạc sĩ Thuận Yến, với những ca từ chạm đến trái tim của những người sống ở dải đất gánh 2 đầu Tổ quốc, hẳn mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nam bộ nói riêng đều không khỏi bồi hồi, xúc động.
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, không phút giây nào Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhớ đến miền Nam thân yêu. Có lẽ thật khó có một từ, khó một bài viết, một trang báo có thể truyền tải hết tình yêu của Bác dành cho miền Nam, bởi từ trong hơi thở, từ trong trái tim của Người, miền Nam luôn hiện hữu, thân thương, thiêng liêng và cao quý. Cũng chính bởi tình yêu đó mà cả thành phố lớn của nước Việt Nam đã chọn tên Bác cho mình-Thành phố Hồ Chí Minh.
Sinh thời Bác từng nói: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi. Nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn”... “ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Người luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Người luôn mong muốn được vào thăm nhân dân miền Nam. Sau này, khi nằm trên giường bệnh, Người cũng mang theo mình hình ảnh miền Nam.
Quay trở lại với lịch sử, ngày 5/6/1911, Bác Hồ tạm biệt mảnh đất Nam bộ thân yêu để từ Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước trên chiếc tàu Đô đốc Latouche Treville. Sau 34 năm, ngày 26/9/1945, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác có lá thư đầu tiên gửi đồng bào Nam bộ (sau 3 ngày Nam bộ kháng chiến). Trong thư, Người động viên, kêu gọi tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam khi thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa:
“Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm, khi còn chiến tranh với Nhật, bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh, thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai mò đến. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần… Tôi tin và đồng bào cả nước chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Tôi chắc và đồng bào cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức giúp đỡ những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ kèm theo bản Tuyên ngôn độc lập, yêu cầu đại diện phe đồng minh có sự can thiệp tức thời ngăn chặn ngay việc thực dân Pháp, núp bóng quân Anh gây chiến ở Nam bộ.
Trong lòng Hồ Chí Minh-miền Nam “đi trước, về sau”. Bởi thực tiễn cho thấy, trước khi cả nước đứng lên chống Pháp thì đồng bào miền Nam đã anh dũng kháng chiến. Người tự hào trong kháng chiến, tuy tan nát cửa nhà, hy sinh tính mạng, tù đày nhưng lòng yêu nước của đồng bào Nam bộ gan vàng dạ sắt vẫn trơ như đá, vững như đồng.
Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng theo dõi sát sao diễn biến chiến trường Nam bộ. Ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước, không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc…”.
Ngày 1/6/1946, trước khi lên đường sang Pa-ri để đàm phán với chính phủ Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Hồ Chủ tịch lại có thư gửi đồng bào Nam Bộ, trong đó có đoạn:
“Đồng bào Nam bộ cùng hy sinh tranh đấu mấy tháng trường để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam bộ. Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi…”.
Ngày 23/10/1946, sau khi đi Pháp trở về, Bác đã tuyên bố: “Đối với gan vàng, dạ sắt của đồng bào Nam bộ, toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên, Chính phủ không bao giờ quên. Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sĩ và xin lỗi những đồng bào đang khổ sở, hy sinh…”.
Không chỉ sát cánh trong mọi hoạt động, mọi trận đánh và mọi bước ngoặt của đồng bào miền Nam ruột thịt, cũng chính Bác đã dành rất nhiều danh hiệu để tặng cho đồng bào miền Nam: “Thành đồng Tổ quốc”, “Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang” đối với phụ nữ miền Nam… Cùng với các danh hiệu dành tặng cho nhân dân miền Nam, với mong muốn “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào, Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn” của Bác, rất nhiều phong trào từ miền Bắc đã được mở ra và nhận được sự hưởng ứng mãnh liệt, như: “Thanh niên ba sẵn sàng”; “Phụ nữ ba đảm đang”; “Chắc tay súng, vững tay cày”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…
Có thể thấy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Bác luôn “đồng hành” cùng cách mạng miền Nam. Đặc biệt là sau Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được giải phóng, từng bước khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa-xã hội, tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng để thống nhất đất nước. Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (tháng 9/1954):
“Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.
Tại Hội nghị Việt-Pháp ở Fontainebleau, Bác tuyên bố: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.
Năm 1963, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa II, đúng vào dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 73 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu đã nhất trí đề nghị trao tặng Người Huân chương Sao vàng-Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Bác cảm ơn Quốc hội và nói: “Trong khi miền Bắc ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội để ủng hộ đồng bào miền Nam, thì đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ công cuộc xây dựng hoà bình ở miền Bắc. Cho nên nhân dân miền Bắc từng giờ từng phút nhớ đến đồng bào miền Nam. Gần 20 năm trường, hết đấu tranh chống thực dân Pháp, lại đấu tranh chống Mỹ-Diệm, đồng bào miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu Thành đồng Tổ quốc và xứng được tặng thưởng Huân chương cao quý này. Vì những lẽ đó tôi xin Quốc hội đồng ý thế này, chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho tôi Huân chương cao quý này. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
Bác nhớ thương đồng bào miền Nam bao nhiêu Người lại càng cảm thấy vui bấy nhiêu khi được đón tiếp các đồng bào miền Nam ra thăm. Năm 1965, gặp đoàn anh hùng dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc, khi cả Đoàn khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác, Người xúc động: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác càng nung nấu ý muốn là phải vào bằng được Nam bộ với đồng bào, đồng chí miền Nam đang chiến đấu.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Đáp lại tình cảm của Bác, nhân dân miền Nam, cùng với quân dân cả nước chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời gian đã lùi xa nhưng tình cảm bao la của Người dành cho đồng bào miền Nam nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn đó, khiến bao trái tim luôn thổn thức, xúc động khôn nguôi. Và đồng bào luôn yêu Người-Bác Hồ Chí Minh kính yêu!
Hiền Mỹ