A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mùa xuân đại thắng

QPTĐ-Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi lịch sử ấy bắt nguồn từ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng bất khuất của toàn dân, toàn quân, gắn liền với sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, trong đó in đậm dấu ấn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

 

Kế hoạch giải phóng miền Nam-Tầm nhìn chiến lược

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vào cuối tháng 12 năm 1972 đã buộc đế quốc Mỹ quay lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thế nhưng, với bản chất phản động, hiếu chiến, đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, tiếp tay cho ngụy quyền Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ” nhằm bình định, lấn chiếm vùng giải phóng. Trước tình hình đó và trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng thực tiễn, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III-năm 1973) tiếp tục khẳng định: Con đường phát triển của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng; tư tưởng chỉ đạo vẫn là nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công; phương hướng chiến lược của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là “ta phải mạnh trên cả ba mặt trận để thắng địch, buộc địch thi hành Hiệp định, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”.

Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, tháng 4 năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập Tổ Trung tâm. Tất cả các thành viên trong tổ vốn là những chỉ huy dày dạn trận mạc và có kinh nghiệm lịch sử chiến tranh. Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tổ trưởng. Tổ có các đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng và hai đồng chí Cục phó là Võ Quang Hồ và Lê Hữu Đức.

Sau hơn gần 1 năm chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, qua 8 lần Dự thảo sửa chữa, Kế hoạch giải phóng miền Nam cũng đã được quyết nghị. Bộ Chính trị đã có một quyết định vô cùng sáng suốt, thể hiện và nâng cao nghệ thuật quân sự lên một tầm cao mới: “Nếu tạo được thời cơ vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”.

Chiến dịch Tây Nguyên - Đòn đột phá mở ra thời cơ mới

Ngày 18/12/1974, Bộ Chính trị họp tại “Nhà con rồng” quyết định: Chọn hướng tiến công chính Tây Nguyên, mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột để mở màn cho cuộc tiến công chiến lược năm 1975. Chiến lược này phản ánh tư duy quân sự thiên tài của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đó là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau. Đại tướng đã khéo léo bày ra một thế trận chiến lược nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế-Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên. Tiếp đó, Đại tướng cùng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã quyết định đưa Quân đoàn 4 vào Bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế. Hai quân đoàn đóng ở các địa bàn này đã buộc địch phải đưa Sư đoàn lính dù và Sư đoàn lính thủy đánh bộ-tổng dự bị chiến lược ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, có như vậy địch mới để sơ hở Tây Nguyên.

Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Ngày 10/3/1975, quân ta tiến công và giải phóng Buôn Ma Thuột. Sáng ngày 16/3/1975, địch ở Tây Nguyên rút chạy. Chiến thắng Buôn Ma Thuột và chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi không những tăng cường thế và lực cho ta mà còn xuất hiện thời cơ giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình: “Điểm trúng huyệt chí tử của địch ở Buôn Ma Thuột gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch bỏ Tây Nguyên thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đấy chúng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.

Ngày 18/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lên Bộ Chính trị: “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay (1975)”. Tiếp đó, trong vòng 7 ngày từ 18-25/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích và đề đạt với Bộ Chính trị: Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đầu tấn công Đà Nẵng, phải đánh Đà Nẵng ngay, ở hướng Sài Gòn lực lượng ta đã đủ, yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn.

Từ sự chỉ đạo sắc bén của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng sự phối hợp tiến công đồng loạt giữa các mũi, các hướng trên toàn mặt trận, đến 15 giờ ngày 29/3/1975, quân ta đã làm chủ căn cứ liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và toàn tỉnh Quảng Đà. Thắng lợi này góp phần quan trọng đập tan một lực lượng quân sự lớn và bộ máy kìm kẹp của địch trên toàn bộ địa bàn Quân khu 1 của địch, đẩy chúng vào thế thất bại hết sức nghiêm trọng không thể cứu vãn, thúc đẩy thế tiến lên tất thắng của quân và dân ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh tại Tổng hành dinh trong ngày toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu)

 

Lệnh “Thần tốc” và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trong cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đang hành quân: Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng… Ngày 7-4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 

1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một lời “hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy. 

Ngày 14/4/1975, giữa lúc quân dân ta trên các hướng tiến công đang khẩn trương tạo thế và lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, theo đề nghị của Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi đến Mặt trận bức điện số 37/TK vào hồi 17 giờ 50: “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Theo đó, 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đỉnh cao nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở màn. Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi mùa Xuân 1975 là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, nghệ thuật quân sự đỉnh cao và ý chí bất khuất của cả dân tộc. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện tầm nhìn chiến lược xuất chúng, khả năng nắm bắt thời cơ và quyết đoán trong từng mệnh lệnh. Đại tướng không chỉ là vị tướng huyền thoại của dân tộc mà còn là biểu tượng của trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần quyết chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đức Minh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội