A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến dịch Lê Lợi

QPTĐ-Cuối năm 1949, ở chiến trường chính Bắc bộ, quân và dân ta mở Chiến dịch Lê Lợi, chủ động tiến công địch ở Hoà Bình và đẩy mạnh tiến công địch ở nhiều nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc... 

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn phương án tác chiến năm 1950. 

Ảnh tư liệu: TTXVN

Để phối hợp với Chiến dịch Lê Lợi, Liên khu uỷ và Bộ tư lệnh Liên khu 4 quyết định mở Chiến dịch Lê Lai tại Bình-Trị-Thiên, nhằm mục đích: Giam chân quân cơ động Pháp, không cho chúng tiếp viện ra Bắc bộ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, xây dựng và mở rộng căn cứ cách mạng ở vùng đồng bằng. Chiến dịch diễn ra chủ yếu trên địa bàn phía Nam tỉnh Quảng Bình và phía Bắc tỉnh Quảng Trị. 

Giữa năm 1949, lực lượng địch trên địa phận Quảng Bình có khoảng 4.000 tên. Thực hiện ráo riết “Kế hoạch Rơ-ve”, chúng đóng thành 45 vị trí đồn bốt. Với một loạt đồn bốt dày đặc nối tiếp nhau, chúng định bịt chặt các cửa ngõ chiến khu và uy hiếp các tuyến giao thông vận tải của ta ở phía Tây. Ở vùng đồng bằng và địch hậu, quân Pháp tăng cường vây ráp, phục kích các ngả đường hòng lùng bắt cán bộ và cướp đoạt hàng hóa, của cải của đồng bào. 

Lực lượng ta: Tháng 10/1949, theo chỉ thị của Bộ, Liên khu 4 quyết định thành lập “Mặt trận Bình-Trị-Thiên”, lực lượng chủ lực có ba trung đoàn bộ binh (95, 101 và 18); Tiểu đoàn Công pháo 888, Đại đội Thông tin và Đại đội Quân báo. Lực lượng vũ trang địa phương có ba đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích của ba tỉnh Bình-Trị-Thiên. Ngoài ra, trên tăng cường cho lực lượng tham gia chiến dịch Trung đoàn 57. 

Chiến dịch chia làm hai đợt. Đợt 1 (từ 22 đến 31/12/1949): Đêm 22/12, Trung đoàn 18 được tăng cường một đại đội phóng bom, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công đồn Vạn Xuân nhưng không thành. Trung đoàn chuyển sang bao vây, đồng thời tổ chức lực lượng đánh quân tiếp viện. 

Đến Nô-en (ngày 25/12), Thiếu tá Lơ-briu-giơ (Lebrouse) chỉ huy phân khu Nam Quảng Bình, đích thân dẫn hai đại đội Âu -Phi và một trung đội trợ chiến từ Đồng Hới hành quân vào phối hợp với bộ phận chiếm đóng ở Hoà Luật, giải vây cho Vạn Xuân. 18 giờ chiều, địch tới Thạch Xá Hạ, lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 227, Trung đoàn 95. Ta bất ngờ nổ súng, diệt và bắt gọn cánh quân này của địch; diệt và làm bị thương 30 tên, bắt 50 tên, trong đó có cả Thiếu tá Lơ-briu-giơ, một Đại úy và hai Trung úy; thu 60 súng, hai máy vô tuyến điện, phá hỏng bảy xe. 

Ngày 30/12, tướng Lơ-brit phải hạ lệnh rút quân khỏi đồn Vạn Xuân và sau đó là đồn Thượng Lâm. Vùng tự do của ta được mở rộng, phía tây khu vực sông Kiến Giang, Lệ Thuỷ được giải phóng.

Ngày 31/12, được ta tuyên truyền giác ngộ, vệ binh đoàn ở đồn Cổ Hiền đã nổi dậy làm binh biến, diệt ba sĩ quan Pháp, đưa toàn bộ vũ khí, trang bị về với kháng chiến. Sự kiện này đã tác động tích cực đến số binh lính ngụy ở các đồn khác, do đó những ngày tiếp theo, quân ta đã tiến công và diệt gọn đồn Đôn Sa, bao vây và bức rút địch ở đồn Phú Hoà.

Từ 13/12/1949 đến 15/1/1950, Trung đoàn 57 đã đánh một loạt vị trí quan trọng của địch ở tuyến phòng thủ sông Gianh như Đại Nam, Hoà Ninh, Hướng Phương, Đơn Sa, Phù Kinh, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam và Bắc sông Gianh.

Ở phía Nam, quân địch sợ không dám ra, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, Trung đoàn 95 và 18 chuyển sang phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến hành tổng phá tề ở vùng Nam Quảng Bình. Phong trào kháng chiến của các làng xã phát triển mạnh và vững, trở thành những điển hình của Bình-Trị-Thiên và cả nước.

Đợt 2 (từ 15 đến 27/1/1950): Ngày 27/1, Pháp tập trung quân ứng chiến mở cuộc hành quân bằng đường thuỷ vào vùng có đồng bào theo đạo Thiên Chúa mà ta vừa giải phóng. Phán đoán đúng âm mưu địch, Trung đoàn 57 cùng lực lượng vũ trang địa phương tổ chức phục kích ở bến đò Phù Trịnh, La Hà. 

8 giờ, địch lọt vào trận địa phục kích, ta nổ súng, đại bác vào bộ binh địch ở các đồn xung quanh như Tiên Lệ, Ba Đồn nổ súng ứng cứu, quân địch trên bốn ca nô củng cố đội hình để phản kích nhưng đã bị quân ta đánh quyết liệt. Cả tiểu đoàn địch bị tan rã, hơn 120 tên bị diệt, ta bắt 10 tù binh Pháp và một số tay sai dẫn đường. Bốn ca nô địch bị hỏng nặng. Số địch sống sót rút chạy về Thanh Khê, bỏ lại hàng trăm súng. 

Trước sức uy hiếp của ta, địch buộc phải rút tiếp ở các vị trí chiếm đóng: Troóc, Cổ Giang, Cao Lao, Tiên Lệ. Ta triệt hạ tiếp ba đồn hương vệ: Phù Kinh, Hoà Bình, Hướng Phương.

Sáng 27/1, hai trung đoàn 95 và 101 hành quân vào tới Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Lợi dụng thời cơ này, địch lập tức tập trung ba tiểu đoàn ở Triệu Phong và Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị càn quét vào các xã Lương Mai, Phò Trạch, Phong Chương, Phong Lai, Vân Trình... 

Lực lượng vũ trang địa phương tổ chức chống càn. Được cấp trên đồng ý, hai trung đoàn hành quân thần tốc quay trở lại vùng Triệu Phong và Hải Lăng. Địch cho máy bay bắn phá, ném bom vào trận địa quân ta. Đến tối 27/1, không chịu nổi đòn đánh trả quyết liệt của hai trung đoàn, quân Pháp phải hủy bỏ cuộc hành quân càn quét, lợi dụng đêm tối tháo chạy về Huế. Ta diệt và bắt gần 400 tên địch, thu hơn 50 súng các loại. Chiến thắng ở Lương Mai, Phò Trạch, Lê Thuyết đã kết thúc Chiến dịch Lê Lai.

P.Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ