A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 

QPTĐ- Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được thành lập ngày 28/9/1979, theo Quyết định số 946/QĐ-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; trung tâm giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh của thành phố Hà Nội. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng được hàng trăm nghìn lượt cán bộ cho Bộ Tư lệnh Thủ đô và thành phố Hà Nội. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, Nhà trường đã đào tạo, bổ túc và bồi dưỡng được hơn 65.000 lượt cán bộ, nhân viên, học viên; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho 465 cán bộ đối tượng 2; 8.868 cán bộ đối tượng 3 của thành phố Hà Nội và bộ, ngành Trung ương; giáo dục QP&AN cho trên 60.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.

Giới thiệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong Lễ ra quân huấn luyện tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Ảnh: Ngọc Quang

Với đặc điểm đối tượng đào tạo đa dạng, lưu lượng học viên đông, trình độ không đều, nội dung, mục tiêu, thời gian đào tạo của các đối tượng không giống nhau..., song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội, cùng với sự nỗ lực quyết tâm, tinh thần “chủ động, sáng tạo”, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, Nhà trường đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. 

Với những thành tích đó, Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng 02 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quân khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng nhiều phần thưởng cao quý khác. Có được kết quả trên, trước hết là do Nhà trường đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cả ở khâu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong đó việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được coi là khâu xuyên suốt, đây chính là biện pháp đột phá và cũng là nhiệm vụ thường xuyên của Nhà trường.

Những năm qua, mặc dù trong điều kiện có cả thuận lợi và thách thức đan xen. Nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đã đặt ra yêu cầu mới đòi hỏi phải giải quyết ngay từ khâu xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao, Nhà trường đã tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất: Với nhận thức xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo; Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo cơ quan chức năng bám sát biểu biên chế mới ban hành theo Quyết định số 593/QĐ-BQP, ngày 02/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để rà soát, quy hoạch, kiện toàn tổ chức các cơ quan, khoa, đơn vị quản lý học viên gắn với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2023-2030”. 

Nhà trường tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với cơ cấu, độ tuổi, trình độ học vấn, năng lực, kinh nghiệm công tác, tạo thành các lứa, lớp kế cận, kế tiếp vững chắc theo từng vị trí, chức danh công tác. Quá trình triển khai, Nhà trường coi trọng gắn trách nhiệm cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị trong từng khâu, từng bước trong quy trình công tác cán bộ, đặc biệt là khâu nhận xét, đánh giá, sử dụng và quy hoạch, tạo nguồn để đề nghị điều động bổ sung.

Thứ hai: Coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giáo viên thông qua các hoạt động tập huấn, cung cấp kịp thời những thông tin, định hướng mới; tổ chức hoạt động phương pháp, duy trì đổi mới phương pháp truyền đạt. Đến nay, 100% giáo viên đã thành thục phương pháp giảng dạy tích cực, theo hướng “lấy người học làm trung tâm, giáo viên gợi mở định hướng phương pháp tiếp cận” các vấn đề lý luận và thực tiễn để người học chủ động tiếp cận khai thác nội dung, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của mỗi học viên, do đó kết quả học tập của học viên ngày càng nâng lên,  thực chất.

Thứ ba: Đảng ủy Nhà trường, chỉ huy các cấp rất coi trọng việc động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên tích cực nghiên cứu đề tài, nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ trang bị kỹ thuật, tổ chức biên soạn giáo trình tài liệu. Nhà trường đã có 08 đề tài, 55 giáo trình tài liệu, 24 sáng kiến được nghiệm thu đạt chất lượng cao; có 8 sáng kiến, 44 giáo trình tài liệu được nhân bản, áp dụng vào thực tiễn phục vụ huấn luyện, giáo dục-đào tạo. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy các đối tượng học viên có trình độ cao như việc bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng 2, 3; đào tạo liên thông cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở, Nhà trường đã lựa chọn cán bộ giáo viên có năng lực, trách nhiệm giao nhiệm vụ nghiên cứu các chuyên đề, cập nhật các vấn đề mới về quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đến nay Nhà trường đã đảm nhiệm 100% các nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đối tượng 3; 80% nội dung cho đối tượng 2.

Thứ tư: Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hằng năm, Nhà trường đã báo cáo đề nghị cấp trên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở các học viện, nhà trường trong quân đội, tập trung bồi dưỡng giáo viên ở Học viện Chính trị và Trường Sĩ quan Lục quân 1 cả trình độ đại học và sau đại học; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bồi dưỡng kỹ năng mềm cho cán bộ, giáo viên. Thực hiện chỉ đạo của Cục Nhà trường, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đăng cai mở lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho 50 cán bộ Nhà trường. 

Bên cạnh việc cử giáo viên đi đào tạo để nâng cao trình độ, Nhà trường còn cử giáo viên đi thực tế tại các đơn vị, địa phương để nâng cao kiến thức thực tiễn ở cơ sở, bảo đảm cho việc dạy học sát thực tế nhiệm vụ của LLVT Thủ đô và của Quân đội. Đến nay 100% giáo viên có trình độ đại học (trong đó thạc sĩ 13/52 đ/c= 25%); đã qua thực tế cấp Trung đoàn và tương đương trở lên 03 đ/c=5,8%. Hằng năm, Nhà trường tổ chức thi, xét giáo viên, cán bộ quản lý giỏi cấp cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, khả năng sư phạm, năng lực toàn diện đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; đến nay có 12 giáo viên dạy giỏi cấp trường (41,60%), 3 giáo viên dạy giỏi cấp Bộ (2,9%), 17 đồng chí đạt tiêu chuẩn chức danh giáo viên (12,8%).

Bước sang giai đoạn mới, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, nghị quyết Đại hội các cấp nhiệm kỳ (2021-2025), nhất là Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1318-NQ/ĐU ngày 28/02/2023 của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 684-NQ/ĐU ngày 30/3/2023 của Đảng ủy Trường Quân sự “về đổi mới công tác giáo dục, đào tạo đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Trường Quân sự trong tình hình mới”; Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng cả về năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng phẩm chất người thầy, xây dựng Nhà trường theo hướng “Trường chính quy thân thiện; cán bộ, giáo viên mẫu mực; học viên, chiến sĩ, công nhân viên tích cực”, để tô thắm thêm truyền thống “Trung thành, sáng tạo, dạy tốt, rèn nghiêm, đoàn kết, Quyết thắng”, truyền thống 45 năm xây dựng và trưởng thành của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Đại tá NGUYỄN HỒNG DƯƠNG

Chính ủy Trường Quân sự BTL Thủ đô Hà Nội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ