A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần xử nghiêm tham nhũng vặt, có tổ chức!

QPTĐ- Gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội (ngày 1/6) trước phiên đăng đàn tại hội trường kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trong 7 tháng qua (từ tháng 10/2022), các cơ quan thực thi pháp luật khởi tố 68 vụ án tại 103 trung tâm và 4 chi cục đăng kiểm cả nước; bắt giam gần 600 cán bộ, nhân viên đăng kiểm, trong đó có lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc, Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm. Tính ra, có hơn 30% số đơn vị mắc sai phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật (107/319 đơn vị). Tại Hà Nội chỉ có 6/31 và Thành phố Hồ Chí Minh có 8/19 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động.

 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Ảnh: Tuấn Huy

Thực trạng trên dẫn đến tình trạng khủng hoảng toàn bộ ngành đăng kiểm bởi thiếu đăng kiểm viên. Ở các tỉnh, thành phố lớn, các đơn vị đăng kiểm đang hoạt động hoặc được trở lại chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, gây ra tình trạng ùn ứ trong việc phục vụ người dân. Vì sao lại có nhiều đơn vị và nhiều nhân viên đăng kiểm mắc sai phạm như vậy? 

Theo Cơ quan điều tra, xuất phát từ nhân viên đăng kiểm tham nhũng vặt dẫn đến đường dây tham nhũng có tổ chức, công khai ăn chặn tiền của người dân, tăng tiền lệ phí thành… “tệ phí” (ăn tiền bất hợp pháp, lợi ích nhóm), tích tiểu thành đại, tính ra đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, mỗi đơn vị và diễn ra liên tục trong nhiều năm. 

Hãy xem, muốn xe cơ giới chen ngang, ưu tiên kiểm định trước, người điều khiển phương tiện phải chi ra 100-200 ngàn đồng, xử lý lỗi nhẹ 300-400 ngàn đồng; xe mắc lỗi nặng, lỗi lớn chi ra tiền triệu với hàng trăm xe đăng kiểm mỗi ngày. Và không chỉ nhân viên đăng kiểm im ỉm đút túi vài trăm ngàn đồng hay triệu bạc nếu muốn có chữ ký của trưởng kíp, lãnh đạo trung tâm, thế là nảy sinh đường dây tham nhũng có tổ chức ngay tại trung tâm và được lãnh đạo Cục Đăng kiểm “bảo kê”. 

Hậu quả là, đồng tiền đưa đường, dẫn lối làm suy đồi đạo đức, ảnh hưởng tư cách viên chức, người lao động; xe cơ giới kém chất lượng được lưu thông, có nguy cơ gia tăng số vụ tai nạn; đường sá, cầu cống chịu áp lực quá tải trọng, tài sản quốc gia bị phá hủy nhanh chóng… 

Một tệ nạn khác, từ trước đến nay vẫn coi như hiện tượng tham nhũng vặt, đó là giấy khám bệnh. Người ta dễ dàng mua một giấy khám bệnh có chữ ký, đóng dấu khống của một cơ sở y tế chỉ với 100-200 ngàn đồng, người sử dụng tự ghi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ và tình trạng sức khỏe của người bất kỳ vào giấy khám bệnh. Người ta sử dụng giấy này để đi học, xin việc làm, thi giấy phép lái xe, thủ tục bảo hiểm xã hội, chung chi hưởng tiền bảo hiểm y tế… 

Tại cuộc họp báo Chính phủ (ngày 3/6), Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Có nhiều trường hợp trái khoáy, cười ra nước mắt. Có người cụt 2 tay được cấp bằng lái xe vì có giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe; có bệnh nhân nam giới nhận giấy xác nhận viêm bộ phận sinh dục của nữ giới. 

Công an tỉnh Đồng Nai vừa bắt khẩn cấp 18 đối tượng liên quan đến người nghỉ việc muốn có gấy khám sức khỏe trên địa bàn thành phố Biên Hòa, thu giữ 135.000 giấy chứng nhận nghỉ bảo hiểm xã hội, 400 giấy khám sức khỏe ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám sức khỏe-Tướng Tô Ân Xô cho hay. 

Chắc vụ án này sẽ phát súng lệnh, gây sốc đối với nhiều cơ sở y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn quốc?

Thôi thì, dẫu đau một lần, dù có phải “thay máu ngành đăng kiểm” cũng phải chấp nhận cắt bỏ cái u nhọt đi, kỳ vọng cơ thể nhanh chóng phục hồi, tránh di căn, nguy cơ mắc trọng bệnh! Và câu chuyện cấp khống giấy khám bệnh cũng vậy! Xem ra, không thể coi thường, xem nhẹ căn bệnh tham nhũng vặt này! 

Linh An
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ