A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

 

QPTĐ-Trong một số ngày gần đây, liên quan đến vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, trên mạng xã hội và một số đài báo nước ngoài, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức viết bài, làm video clip xuyên tạc, kích động làm nóng tình hình, gây hoang mang dư luận. Chúng lợi dụng vụ việc để kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

 

 

Các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.


Một mặt, chúng  cố tình đơm đặt, bóp méo sự thật nhằm hướng lái vụ việc sang màu sắc chính trị nhằm kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài bằng hàng loạt bài viết như: Vụ Đồng Tâm: Chỉ có Nhà nước thua khi “lửa bùng lên từ đất”; Đảng lên kế hoạch tác chiến hoàn hảo để tiêu diệt kẻ thù; Đồng Tâm: Vì sao phải che giấu cuộc càn quét; Chính quyền đưa quân, nổ súng vào dân thường; đụng độ giữa chính quyền với người dân… Mặt khác, chúng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhân vụ việc ở Đồng Tâm, chúng bỉ bôi vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai, gọi đó là căn nguyên của vụ việc.


Trước hết phải nói rõ: Lê Đình Kình và băng nhóm của ông ta không phải là dân. Lê Đình Kình nguyên là lãnh đạo xã Đồng Tâm với vai trò Trưởng công an, Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã nhưng bị thoái hóa, biến chất, có nhiều vi phạm lúc đương chức. Khi bị xử lý thì ông ta bất mãn, đi từ sự tha hóa đạo đức dần dần tự chuyển hóa và bị dẫn dụ trượt vào con đường trở thành kẻ phản động, chống lại nhân dân, chống lại chính quyền nhân dân. Trong vụ việc phức tạp ở Đồng Tâm, Lê Đình Kình chính là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất Đồng Sênh đã được giao cho đơn vị Quốc phòng quản lý từ lâu.


Trở lại vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai. Theo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cơ sở pháp lý xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được quy định tại Điều 53: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Điều 4 Luật Đất đai cũng quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Việc Hiến định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đúng đắn và rất cần thiết dựa trên các căn cứ lịch sử, yếu tố khách quan và chủ quan của nước ta.


Trước hết, xuất phát từ quan điểm của Đảng ta, “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với đất đai. Đất đai là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn dân tộc, của nhân dân.


Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do, tạo ra cơ chế để người lao động có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn. Bởi vì sở hữu toàn dân là sở hữu chung của người Việt Nam, hiểu theo nghĩa người Việt Nam là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cộng đồng hơn 90 triệu người dân Việt Nam phải là những chủ nhân của đất đai trên lãnh thổ Việt Nam.


Mặt khác, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền.


Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nếu không được Nhà nước quản lý chặt chẽ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Đó là không ít cán bộ có chức, có quyền lại tùy tiện trong quản lý, sử dụng; sai phạm trong quản lý đất đai còn rất nhiều, theo một thống kê, nó chiếm 70% số vụ việc khiến nhân dân khiếu kiện hiện nay. Nhưng chúng ta cần thấy rõ, đó là sự chưa hoàn thiện của chính sách, pháp luật; sự tham lam và tha hóa của cán bộ có chức, có quyền và cả sự tham lam của một số công dân (như vụ lấn chiếm đất quốc phòng ở Đồng Tâm). Như vậy, cái sai là do lòng tham của con người chứ không phải sai vì "sở hữu toàn dân". 


Tổ tiên dân tộc Việt đã khai mở tạo dựng nên bờ cõi này và để lại cho tất cả con cháu dân tộc Việt Nam, không ai có quyền chiếm hữu đất đai làm của riêng; đất đai là công thổ quốc gia, điều đó không có gì phải bàn cãi. Trong Cách mạng Tháng Tám-1945, cả dân tộc đã vùng dậy giành độc lập, tự do và sở hữu toàn dân về đất đai là thành quả vĩ đại của cuộc cách mạng ấy. Chúng ta phải luôn trân trọng giữ gìn và để lại cho các thế hệ mai sau.


Đức Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ