A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước

 

QPTĐ-Trong thời gian qua, một số mục sư trong nước kết hợp một số mục sư nước ngoài đã tổ chức các hoạt động rầm rộ gọi là “Vận động nhân quyền cho người dân tộc thiểu số Việt Nam”. Các đối tượng này vu cáo, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Từ đó tạo ra những nhận thức sai lệch để các chính phủ, các tổ chức quốc tế can thiệp, gây sức ép, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tăng cường hoạt động chống phá, phá hoại khối đại đoàn kết, với mục tiêu là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thể chế chính trị ở Việt Nam. Cùng với đó, các tổ chức hội nhóm người dân tộc thiểu số lợi dụng các diễn đàn, hội nghị, viết bài vu cáo, xuyên tạc vùng đất của người dân tộc thiểu số, ý đồ là quốc tế hóa vấn đề như "Vương quốc Khmer Krôm", "Vương quốc Chăm", "Nhà nước Mông", "Nhà nước Tin lành Đề-ga" hướng tới ly khai, tự trị, độc lập...

 

 

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.  

Ảnh: Internet


Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong giải quyết vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc. Các dân tộc có dân số dù ít hay nhiều, ở trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng-an ninh, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Với quan điểm trên, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Giúp đồng bào các dân tộc khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, nhà ở tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt, nâng cấp cơ sở hạ tầng, định canh, định cư, xây dựng khu kinh tế mới ở khu vực biên giới, xóa nghèo nhanh và bền vững.  


Theo Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi của Chính phủ, từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Tập huấn cho 103 ngàn người, dạy nghề cho 720 ngàn người dân tộc thiểu số, góp phần giúp con em tìm kiếm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ 01 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135.


Kết quả những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi là thực tiễn sinh động, minh chứng rõ ràng phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, mà cần tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân phải luôn cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc thiểu số chống phá ta về dân chủ, nhân quyền.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ