A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng Nga-Mỹ sau thương vụ vũ khí với Kiev?

 

QPTĐ-Tuần qua, Cơ quan Hợp tác an ninh, quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết: Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn thương vụ bán hàng trăm tên lửa chống tăng Javelin và các bệ phóng tên lửa cho Chính phủ Ukraine trị giá 47 triệu USD, nhằm “góp phần bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ thông qua việc cải thiện an ninh của Ukraine”. “Hệ thống tên lửa Javelin sẽ giúp Ukraine xây dựng năng lực phòng thủ lâu dài nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, từ đó đáp ứng được các yêu cầu quốc phòng của nước này”-Tuyên bố của DSCA nhấn mạnh. 

 

 

Tên lửa chống tăng có điều khiển FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất.


Trước đó, chính quyền Kiev đề xuất mua của Mỹ 210 tên lửa Javelin và 37 bệ phóng do hai tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu Lockheed Matin và Raytheon của Mỹ sản xuất. Trong thông báo sau đó, Lầu Năm Góc cho rằng: Hợp đồng bán vũ khí cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự khu vực.


Động thái này của Mỹ, lập tức bị Nga phản đối. Moskva cho rằng: Quyết định bán vũ khí của Mỹ sẽ khuyến khích việc sử dụng vũ lực đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là hành động gây leo thang căng thẳng cũng như cản trở tiến trình hòa bình trong khu vực. Bán tên lửa cho Kiev được xem là một quyết định táo bạo của Nhà Trắng dưới thời ông D.Trump mà suốt nhiệm kỳ 2 của Tổng thống B.Obama không dám vượt qua ranh giới “bán vũ khí sát thương cho Kiev” bởi áp lực không hề nhỏ từ phía Nga. 


Quan hệ Nga-Ukraine, Nga-Mỹ và phương Tây trở nên căng thẳng, có dấu hiệu trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 2014, sau sự kiện Cách mạng đường phố Maidan, Tổng thống V.Yanukovych (thân Nga) bị lật đổ, phe đối lập thân phương Tây cầm quyền ở Kiev, Moskva sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Khủng hoảng chính trị ở Ukraine dẫn đến cuộc chiến cấm vận trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ, phương Tây và Nga kéo dài gần 4 năm qua, đốt nóng bầu không khí chính trị châu Âu, gây thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỉ USD với các nước. 


Giữa năm 2014, tại khu vực miền Đông Donbass, hai tỉnh: Lugansk và Donesk tuyên bố ly khai khỏi chính quyền Trung ương Kiev, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) và Donetsk (DPR). Xung đột xảy ra ở khu vực này đã tàn phá các cơ sở công nghiệp và hàng trăm thị trấn, phố xá, khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, hàng triệu người khác mất nhà cửa, phải sống lưu vong hoặc thiếu thốn nơi ăn ở, không được chăm sóc y tế.

 

Thỏa thuận Minsk gồm 4 nước Bộ tứ Normandy: Đức, Pháp, Nga, Ukraine về ngừng bắn ở miền Đông, hy vọng lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc cho vùng Donbass chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mỹ, phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga cung cấp vũ khí, tài trợ hậu cần, hậu thuẫn cho lực lượng Dân quân vùng miền Đông Donbass (LPR, DPR), chống lại chính quyền Trung ương Kiev, tuy nhiên Nga luôn lên tiếng bác bỏ. 


Chính phủ Kiev do Tổng thống P.Poroshenko cầm đầu, không giấu giếm tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên hành động theo xu hướng “bài Nga, thân Mỹ”. Đáng tiếc, sau 4 năm nhập khẩu “Mùa Xuân Arab”-“Cách mạng màu” thành công ở Kiev nhưng mộng tưởng hội nhập châu Âu không dễ dàng, Ukraine mất thị trường Nga-“Gia đình SNG”  (Liên Xô cũ), lại chưa có vị thế, chỗ đứng trong EU, chỗ dựa duy nhất là Mỹ cũng hờ hững, bởi lối chơi hai mặt của Washington? Thực ra, Mỹ chỉ lợi dụng Ukraine, có chung đường biên giới, áp sát sườn Nga tham gia đồng minh chống Nga, làm suy yếu nước Nga-Đối thủ không đội trời chung với Mỹ, chứ không thể đáp ứng kỳ vọng của Kiev, luôn đánh mắt nhòm vào “túi tiền và kho vũ khí Mỹ”?

 
Hiện, một bộ phận lớn dân chúng Ukraine đã thất vọng với “giấc mơ phương Tây”. Đời sống người dân bị sa sút do khan hiếm hàng hóa, đồng tiền mất giá, thất nghiệp gia tăng, đặc biệt luôn bị đe dọa bởi thiếu nhiên liệu, khí đốt trong mùa Đông. Đó là chưa kể, nạn tham nhũng hoành hành, xung đột miền Đông và các phe phái đối lập tranh giành quyền lực, đang làm lung lay vị thế của đảng cầm quyền Kiev-P.Poroshenko. 


Giới phân tích chính trị cho rằng, Ukraine đã mất quyền “độc lập, tự chủ” của mình, bất kỳ quyết định chiến lược đối nội, đối ngoại nào cũng phải tham khảo Washington nếu muốn trở thành hiện thực? Chính phủ Kiev đang lệ thuộc lớn vào nguồn vay tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tất yếu phải có ý kiến của Mỹ. EU vừa từ chối khoản phân bổ 600 triệu euro cho Kiev do vướng vào yêu cầu cải cách, thực thi dân chủ để nhận viện trợ.

 

Tuy chưa đạt được thỏa thuận vay 2 tỉ USD từ IMF nhưng Kiev cũng được an ủi, khi có tin Tổng thống Mỹ đã ký duyệt ngân sách quốc phòng năm 2018 trong đó có khoản cung cấp 350 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine. 


Ngày 2-3, trong Thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống D.Trump thông báo, Nhà Trắng sẽ tiếp tục coi cuộc khủng hoảng Ukraine là mối đe dọa đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ; đồng thời quyết định gia hạn trừng phạt Nga thêm 1 năm nữa (đến 1-2019). Thời gian qua, Mỹ không ngừng thúc đẩy chiến lược “NATO Đông tiến” nhằm cô lập Nga. Ngoài việc đưa binh sĩ và vũ khí hạng nặng đến các nước Đông Âu, Baltic, Mỹ đang tìm cách bao vây Nga bằng vành đai phòng thủ tổng cộng 400 tên lửa trên đất Mỹ và châu Âu-Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.Fomin cảnh báo. 


Tuần qua, Tổng thống Nga V.Putin đọc Thông điệp Liên bang cũng là Cương lĩnh tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2018-2024 truyền đi nội dung: “Tổng thống mạnh mẽ-Nước Nga vững mạnh”. Sau thông báo về sự phục hồi kỳ diệu của nền kinh tế Nga, ông V.Putin dành nhiều thời gian nói về tính vượt trội của ngành Công nghiệp quốc phòng, đã cho ra đời hàng loạt các loại vũ khí mới (vũ khí truyền thống, vũ khí hạt nhân), khiến thế giới phải dè chừng. Đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, tên lửa hành trình hạt nhân, thiết bị lặn tốc độ cao, tên lửa siêu thanh “Dao găm”, vũ khí siêu âm chiến lược, vũ khí laser… “Không ai trên hành tinh này sở hữu các loại vũ khí uy lực như vậy”-Tổng thống V.Putin khẳng định. 


Trên chiến trường Syria, Nga đã thử nghiệm thành công 250 loại vũ khí, thiết bị, khí tài quân sự. Tổng thống V.Putin vừa phê chuẩn chương trình mua sắm vũ khí  của Chính phủ trị giá 325 tỉ USD trang bị cho quân đội trong đó có hệ thống tên lửa S-500, xe tăng Armanta T-14, máy bay tiêm kích S-57. Nga tuyên bố, hiện đại hóa vũ khí để đối phó với cuộc chạy đua vũ trang của Mỹ.


                                 HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ