A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung đột Trung Đông, khoét sâu mâu thuẫn Nga-Mỹ?

 

Dưới thời Tổng thống B.Obama, quan hệ Nga-Mỹ được dự báo rất xấu, đã trở lại thời Chiến tranh Lạnh, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea (3/2014), Mỹ và phương Tây đồng loạt tuyên bố cấm vận Nga. Châu Âu nóng lên sau Cách mạng màu, biểu tình Maidan, xung đột miền Đông Donbass Ukraine; Mỹ  và NATO thực thi chính sách hướng Đông, áp sát biên giới Nga. NATO triển khai lực lượng phản ứng nhanh, đưa vũ khí hạng nặng vào các nước vùng Baltic, Ba Lan, Rumania…  đe dọa an ninh Nga. Thế giới đặt hy vọng vào mối quan hệ Nga-Mỹ bớt căng thẳng khi hay tin, ứng cử viên Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ D.Trump tuyên bố: “Cải thiện quan hệ với Nga, có thể ủng hộ Điện Kremlin sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, hợp tác với Moskva chống khủng bố…”.

 

 

Mỹ phóng tên lửa, đổ thêm dầu vào chảo lửa Syria.

 

Nhưng sau 3 tháng Tổng thống D.Trump cầm quyền (từ 20/1/2017), quan hệ Nga-Mỹ càng xấu đi nghiêm trọng, sau vụ Mỹ tấn công tên lửa hành trình vào Syria (7/6/2017). Xung đột vũ trang khu vực Trung Đông, nhất là khi Mỹ và Nga tham chiến ở Syria đã và đang khoét sâu mâu thuẫn Nga-Mỹ, khó có thể san lấp hố sâu khoảng cách này. Hãy xét từ sự can dự của Mỹ và Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Syria, Libya?

Trước hết, phải khẳng định, Mỹ có ảnh hưởng to lớn với khu vực các nước Vùng Vịnh và Trung Đông. Mỹ vốn là đồng minh truyền thống, giữ vị trí chỉ huy và dẫn dắt các nước Vùng Vịnh về quân sự và kinh tế. Trong khi Nga, trước kia là Liên Xô cũng không ngừng gây ảnh hưởng ở khu vực này.

 

Sau vụ “Nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2001”, Mỹ cáo buộc chính quyền Iraq tài trợ khủng bố, tàng trữ vũ khí hóa học, Lầu Năm Góc tấn công Iraq (3/2003), treo cổ Tổng thống S.Hussein (12/2006) bởi cáo buộc tội ác chống lại loài người? Từ đó, đất nước Iraq rơi vào hỗn loạn. Một nhóm sĩ quan quân đội, quan chức Chính phủ và Đảng Baath ở Iraq nổi lên chống Mỹ, Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ra đời (4/2014). Năm 2014-2015, Hồi giáo IS mạnh mẽ chưa từng có, chiếm đa phần lãnh thổ Iraq, Syria; tràn sang cả Libya, Ai Cập; là mối lo ngại về sự phục hưng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ngay sau đó (7/2014), Mỹ nhận sứ mệnh, đứng đầu liên minh gồm 60 quốc gia phương Tây và Vùng Vịnh, với khẩu hiệu “chống khủng bố”, can thiệp quân sự vào Iraq, Syria. Với hàng trăm máy bay tiêm kích, ném bom và trực thăng vũ trang, tiêu tốn hàng chục tỷ USD nhưng cuộc chiến chống phiến quân IS do Mỹ cầm đầu, qua 2 năm 2014-2015, xem ra không mấy kết quả-Theo nhận xét của giới quân sự phương Tây. Người ta nghi ngờ thái độ hai mặt của Nhà Trắng, vừa chống khủng bố, vừa lợi dụng Hồi giáo IS để điều tiết các phe phái nổi lên ở Iraq, kìm chế Chính phủ Syria do Tổng thống B.al-Assad cầm quyền, gây ảnh hưởng lớn có lợi cho Mỹ ở Trung Đông?

 

Cuộc chiến chống khủng bố có bước ngoặt mới, từ 30/9/2015, Nga đưa Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) tấn công phiến quân Hồi giáo IS và quân nổi dậy, bảo vệ chính quyền Syria theo yêu cầu của Tổng thống B.al-Assad. Liên minh Nga, Iran, Hezbolah- Liban hỗ trợ Quân đội Syria tái chiếm các vùng lãnh thổ đã mất, đẩy quân khủng bố: Hồi giáo IS, Al-Nusra (Al-Qaeda) vào thế phòng ngự, có nguy cơ bị tiêu diệt. Nga mở rộng Cảng Hải quân Tartus và căn cứ Không quân Hmeymim (tỉnh Latakia), không chỉ chống khủng bố ở Syria mà còn là tiền đồn quân sự quan trọng, thực hiện ý đồ khống chế, làm chủ khu vực Địa Trung Hải, Trung Đông và Bắc Phi. Đây là lý do khiến Mỹ không dễ dàng chấp nhận?

 

Nước Mỹ phải chi hàng chục tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, chưa kể đến cuộc chiến chống phiến quân Taliban ở Afghanistan do Mỹ và NATO tham chiến tiêu tốn vài trăm tỷ USD nhưng chưa có hồi kết. Mỹ hậu thuẫn cho Liên minh Dân chủ Syria (PDS, SDF) và Lực lượng người Kurd (YPG, PYD), chống Chính phủ Syria, đòi Tổng thống hợp hiến B.al-Assad phải ra đi. Với cáo buộc “Quân đội Syria (SAA) sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường” ở Idlib (4/4), Tổng thống Mỹ D.Trump lệnh tấn công 59 tên lửa Tomahawk vào sân bay Shayrat của Syria (7/4) như giọt nước tràn ly, đẩy mối quan hệ Nga-Mỹ xuống đáy vực? Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc N.Halley cùng chung giọng điệu với Tổng thống D.Trump khẳng định: “Thay đổi chế độ ở Syria là ưu tiên của chúng tôi!” Mỹ đã tính đến nước cờ tăng hàng ngàn lính đặc nhiệm hoặc đưa bộ binh vào Syria để chấm dứt xung đột hơn 6 năm (từ 3/2011) ở quốc gia này làm 400 ngàn người thiệt mạng, hàng chục triệu người mất nhà cửa, sống lưu vong? Mặc dù Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận, Mỹ không tiếp tục tấn công Syria nhưng mối quan hệ Nga-Mỹ đã bị phủ bóng đen đầy ngờ vực.

Tại Iraq, Hồi giáo IS đang cố thủ tại “thủ phủ Mosul”, thành trì cuối cùng của chúng trước sự tấn công của Quân đội Iraq được Mỹ, Australia hậu thuẫn. Các chuyên gia quân sự dự đoán, Mỹ đang chơi nước cờ hiểm: Tấn công dồn dập phiến quân IS tại Mosul (Iraq) và “thủ phủ Raqqa” (Syria), mở đường máu (nếu không muốn nói là thỏa thuận ngầm) cho IS chuyển khoảng 300.000 tay súng thiện chiến về thành phố Deir Ezzor lập “đại bản doanh mới” chống Nga và Chính phủ Syria? Vậy là Mỹ bắn mũi tên đạt hai đích: Chiếm được 2 “thủ phủ” Mosul, Raqqa mà không tốn nhiều công sức, trong khi IS có cơ hội tập trung binh lực chống Nga? Quân đội Syria bị xé lẻ lực lượng, không thể mạnh mẽ tấn công các căn cứ khác, tạo điều kiện cho quân nổi dậy chiếm cứ khu vực Palmyra, Hama, Homs, Deir Ezzor…

 

Tại Libya, Mỹ hậu thuẫn cho Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) quản lý vùng đất phía Tây do Thủ tướng F.Serraj cầm đầu thì Nga ủng hộ Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Kh.Haftar chỉ huy chiếm cứ khu vực phía Đông. Hiện, Libya tồn tại 2 Quốc hội, 2 Quân đội có xu hướng đối lập nhau, mỗi bên có Nga và Mỹ hậu thuẫn, hỗ trợ hậu cần, tài chính và vũ khí.

 

Vậy là, chỉ điểm qua xung đột ở 3 nước: Iraq, Syria, Libya đã thấy, Nga và Mỹ không cùng chung lợi ích mặc dù cả hai đều tuyên bố, chống khủng bố? Chưa kể đến mối tương quan và ảnh hưởng với các nước láng giềng khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ai Cập, Arab Saudi… thì sự chi phối của Mỹ, Nga không đồng nhất, đôi khi còn là trái ngược nhau. Những động thái của Mỹ, Nga trên chiến trường Trung Đông, khu vực Bắc Phi và Ukraine, vùng Baltic cho thấy, xung đột lợi ích Nga, Mỹ là rất lớn; chưa kể điểm nóng Triều Tiên?

 

Nhật Kiều


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ