A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Đối thoại Sochi: Hy vọng hòa bình ở Syria?

 

QPTĐ-Trong 2 ngày 29-30/1, tại thành phố biển Sochi (Nga) diễn ra Đại hội Đối thoại dân tộc Syria theo sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về một giải pháp thời hậu chiến cho đất nước Trung Đông này. 

 

 

                     Toàn cảnh Hội nghị.                                                        Ảnh: TTXVN        


Theo đó, liên minh chống khủng bố ở Syria gồm Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến trình bảo trợ cho các bên Syria hòa đàm nhằm đạt được một giải pháp chính trị, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua (2011-2018) làm hơn 340.000 người thiệt mạng, hàng triệu người khác mất nhà cửa. Trước đó, vào tháng 12-2017, 3 nước: Nga-Iran-Thổ đã hỗ trợ các bên Syria tham gia đàm phán tại Astana (Kazakhstan) nhằm thực thi ngừng bắn, lập vùng kiểm soát an toàn, tháo gỡ dần bất đồng giữa các phe phái, tập trung vào mục tiêu chống khủng bố Hồi giáo IS, cam kết tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về hòa bình ở Syria. Trong mấy năm qua, các bên xung đột ở Syria đã qua 8 vòng đàm phán không thành công tại Geneva (Thụy Sĩ) do Liên hợp quốc bảo trợ.


Đại hội Đối thoại lần này triệu tập 1.600 đại biểu đại diện các chính đảng, phe phái, tôn giáo, dân tộc ở Syria, hy vọng thành lập ra Ủy ban soạn thảo Hiến pháp để dự thảo một bản hiến pháp mới và tiến hành bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria S.Mistura và đại diện một số nước Trung Đông tham dự Hội nghị. Ủy ban Thương thuyết Syria (SNC-Phe đối lập chính ở Syria) đến Sochi vào phút chót, hòng gây sức ép lên Chính phủ Syria? 


Cuối năm 2017, Chính phủ Iraq, Syria tuyên bố, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở mỗi nước đã đến hồi kết. Tuy nhiên, phiến quân khủng bố vẫn còn chiếm cứ một vùng đất dọc biên giới Iraq-Syria, chuyển sang hình thức tấn công đơn lẻ, gây bạo loạn khu vực. Tại Syria, Lực lượng Dân chủ Syria “ôn hòa” (SDF), nòng cốt là các chiến binh người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn ra đời, thu nạp các phe phái đối lập chống Chính phủ của Tổng thống B.al-Assad, trong đó có cả các chiến binh Hồi giáo IS, với khoảng 30.000 người, lập 10 căn cứ là một trở ngại lớn cho tiến trình thỏa thuận hòa bình. 


Tuần trước, tại Thủ đô Vienna (Áo), Chính phủ Syria và các phái đoàn của phe đối lập đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở vùng nông thôn Đông Ghouta của thủ đô Damass do phiến quân chiếm giữ, chấm dứt 2 tháng giao tranh ác liệt giữa các bên tại khu vực này. Tuy nhiên, Mỹ và phe đối lập Syria vẫn chưa từ bỏ yêu sách loại trừ Tổng thống B.al-Assad (thân Nga) khỏi thành phần Chính phủ liên hợp, đang là một khâu mấu chốt trong hòa đàm giữa các bên? 


Sau khi lập vùng đệm trong Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ thành công trên đất Syria, có sự nhân nhượng của Nga, tuần qua, Chính phủ Ankara lấn thêm bước mới, phát động chiến dịch quân sự “Nhành Ôliu”-“Euphrates giai đoạn 2” hòng tiêu diệt các lực lượng người Kurd. Theo đó, Thổ huy động hơn 70 máy bay, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp phối hợp với Quân đội Syria Tự do (FSA) đánh chiếm Afrin (Syria), phát triển dọc biên giới chung Thổ-Syria-Iraq. Tổng thống Thổ T.Erdogan tuyên bố: “Nếu Thánh Alah cho phép, chúng tôi sẽ tiến đến Idlib”; đồng thời, kêu gọi Mỹ chấm dứt hậu thuẫn Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), bị Thổ đưa vào danh sách khủng bố! Lực lượng Syria-Iran-Hezbollah do Nga cầm đầu, tránh va chạm với quân FAS được Thổ hậu thuẫn. Nga và Mỹ lên tiếng, kêu gọi Thổ kiềm chế, tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn của Liên hợp quốc. 


Hiện, bàn cờ chính trị Syria không còn đơn thuần chỉ có người dân Syria giải quyết xung đột mà dường như đã chuyển sang tay người Mỹ và người Nga cầm “quân đen, quân trắng? Giới quan sát cho rằng, liên minh Mỹ, Israel hậu thuẫn các phe phái đối lập chống Chính phủ Syria mà bên kia là liên minh Nga-Iran-Hezbollah, hỗ trợ Syria bảo vệ đất  đai? 


Người ta cũng không ngạc nhiên khi Mỹ là “khách không mời mà đến”, “không chịu rút binh sĩ khỏi Syria” sau khi sứ mệnh chống khủng bố IS đã hoàn thành. Tổng thống Mỹ D.Trump nhiều lần yêu cầu Nhóm P5+1 phải xem xét lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015, cáo buộc “Iran tài trợ khủng bố”. Ông chủ thứ 45 của nhà Trắng không giấu giếm ý định thay đổi cuộc chơi ở vùng Vịnh và Trung Đông.

 

Sau chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông D.Trump đến Arab Saudi và vùng Vịnh là cuộc khủng hoảng ngoại giao, Qatar bị cấm vận. Năm mới 2018, sau 1 năm cầm quyền, Tổng thống D.Trump đang thay đổi trò chơi địa-chính trị ở Syria, có lợi hơn cho nước Mỹ, không dễ dàng để người Nga “ca khúc khải hoàn”? Tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem gây tranh cãi, bất chấp sự phản đối của Liên hợp quốc và dư luận quốc tế là tính toán kỹ càng của ông D.Trump.

 

Với đồng minh Israel, Mỹ gửi đi một thông điệp “bảo hành” đầy tin cậy, đẩy chính quyền Tel Aviv quay sang đối mặt, chống lại dòng Hồi giáo Shiite ở Trung Đông, Iran, Syria, Lebanon và Nga. Trên thực tế, Mỹ, Israel đã hỗ trợ hậu cần, tin tức tình báo, huấn luyện chiến binh, cấp vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria. Israel không dưới một lần tấn công tên lửa, không kích quân đội của Chính phủ Damass. 


Nga đã thành công trong chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria theo lời mời của Tổng thống B.al-Assad (từ 30-9-2015). Ngày 11-12-2017, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố rút dần binh sĩ khỏi đất nước này. Sau đòn tấn công khủng bố bằng AUV vào căn cứ Nga bất thành, Quân đội Nga đẩy nhanh xây dựng 2 căn cứ hải quân Tartus và không quân Hymeimim (Lattakia) đã ký 49 năm với Syria, đồng thời đưa thêm hệ thống phòng không S-400, máy bay cảnh báo sớm sang Syria.

 

Với 2 căn cứ quân sự hiện đại này, Nga bao quát, khống chế toàn bộ hoạt động trên không Syria bao gồm cả phần lớn không phận Iraq, Iran, Israel; khống chế hải phận Địa Trung Hải với hạm đội tàu ngầm, chiến hạm hiện đại và đồn trú tàu sân bay. Tổng thống Nga vừa phê duyệt kế hoạch chi ngân sách 358 tỉ USD hiện đại hóa quân đội trong 10 năm giai đoạn 2018-2027, trong khi Mỹ chi 700 tỉ USD ngân sách quốc phòng năm 2018 và 716 tỉ USD (năm 2019). 


Xem ra, Nga, Mỹ khó lòng dứt bỏ mảnh đất vàng, địa-chính trị Trung Đông, kho dầu mỏ, khí đốt thế giới, càng làm cho cuộc thương thảo vãn hồi hòa bình ở Syria thêm phần gay cấn. 


NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ