A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liệu có đột phá trong quan hệ Mỹ-Hàn-Triều?

 

QPTĐ-Từ trung tuần tháng 3, dư luận thế giới bất ngờ đón nhận tin vui, Triều Tiên và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh trong tháng 4. Liền sau đó, Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý gặp nhau và hội đàm cấp cao vào tháng 5-2018, nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. 

 

 

Đối thoại giữa phái đoàn Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 9/1/2018.

 


Nếu cuộc gặp diễn ra theo đúng dự kiến thì đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một lãnh đạo Triều Tiên và một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ kể từ năm 1950, khi về mặt kỹ thuật, hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Những động thái hữu hảo hiếm hoi giữa các nhà lãnh đạo: Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, nhen nhóm hy vọng, mở ra một chương mới về đàm phán hòa bình Liên Triều? Liệu có bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Hàn-Triều nhằm tháo gỡ căng thẳng, hạ nhiệt chương trình tên lửa, hạt nhân đang đốt nóng khu vực này?


Hơn 1 năm qua, bán đảo Triều Tiên trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, khi Tổng thống Mỹ D.Trump đưa ra những tuyên bố cứng rắn về chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Những cuộc khẩu chiến không chỉ gây căng thẳng trên nghị trường mà có lúc tưởng như chiến tranh đã đến nơi, sau các cuộc điều tàu sân bay, máy bay chiến lược Mỹ áp sát Triều Tiên; đáp lại Bình Nhưỡng liên tục thử bom A, bom H và tên lửa đạn đạo liên lục địa bay xa hơn 10.000 km, về mặt lý thuyết có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ? 


Đầu năm nay, quan hệ Liên Triều tạm thời dịu bớt sau khi Chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được thỏa thuận dừng các cuộc tập trận, không công kích lẫn nhau, cử vận động viên, cổ động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông 2018 tại Peyongchang, Hàn Quốc (từ 9-25/2) và Đại hội dành cho người khuyết tật kéo dài đến 18/3 do Seoul đăng cai tổ chức. Chiến lược “ngoại giao thể thao” giữa hai miền Triều Tiên đã thu được những kết quả ban đầu ngoài sự trông đợi. Sau hơn chục năm, kể từ Đại hội thể thao năm 2005 do Seoul tổ chức, người ta mới gặp lại Đội cổ động viên và vận động viên Triều Tiên đến xứ Hàn. 


Dự Lễ khai mạc Thế vận hội, Triều Tiên chứng tỏ thái độ thịnh tình với Đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam dẫn đầu cùng bà Kim Yo-jong, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền của Đảng Lao động Triều Tiên. Đây được xem là những nhân vật có thế lực trong bộ máy của Chính phủ Triều Tiên, là người thân cận, Đặc phái viên đặc biệt của nhà lãnh đạo trẻ Kim Yong-un. Bà Kim đến Seoul, mang theo bức thư của anh trai-ông Kim Yong-un ngỏ ý mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất. Tại Nhà Xanh-Phủ Tổng thống, hai đoàn đại biểu cấp cao Hàn-Triều có cuộc hội đàm cởi mở, thiết thực, được cho là thân thiện, bổ ích. 


Đáp lễ, trong 2 ngày 5-6/3, Tổng thống Hàn Quốc cử Đoàn cấp cao do ông Chung Eui-yong, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia, Đặc phái viên của Tổng thống dẫn đầu đến Bình Nhưỡng. Đoàn được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un và phu nhân Ri Sol-ju cùng bà Kim Yo-jong đón tiếp trọng thị tại trụ sở của Đảng Lao động Triều Tiên và mở tiệc chiêu đãi đoàn. Đây là lần đầu tiên, ông Kim Yong-un đón tiếp các quan chức Hàn Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Ông Chung Eui-yong cho hay: Các quan chức Hàn Quốc được đón tiếp chu đáo, thịnh tình.

 

Ông Kim Yong-un đã gặp Đoàn ngay buổi đầu tiên với thái độ niềm nở, luôn tươi cười, bắt tay từng người và hứa sẽ thu xếp để gặp mặt thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 4 tới. “Ông Kim Yong-un nói rằng, thậm chí cả vấn đè giải trừ hạt nhân cũng có thể là một phần trong chương trình nghị sự đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ”-Đặc phái viên Chung Eui-yong khẳng định. 


Mấy ngày sau đó, ông Chung bay sang Washington, gặp ông chủ Nhà Trắng D.Trump với vai trò Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc mang theo thông điệp: “Triều Tiên đồng ý thảo luận giải trừ hạt nhân”. Tổng thống Mỹ D.Trump cũng có quyết định chóng vánh (9/3), nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un trong tháng 5 tới. 


Trong những ngày qua, đã diễn ra các cuộc ngoại giao con thoi đến từ Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ, trong đó có các cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức ngoại giao tại Stockholm (Thụy Điển), San Francisco (Mỹ). Tại Phần Lan (19/3) diễn ra cuộc gặp đoàn đại biểu các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên và nước chủ nhà, trao đổi về chủ đề phi hạt nhân hóa. 


Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đến Brussels (Bỉ) gặp Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg, họp với Hội đồng Đối ngoại không chính thức của EU, dự Đối thoại Quốc phòng phối hợp Mỹ-Hàn (KIDD) ngày 19-20/3. Đặc phái viên xứ Hàn Chung Eui-yong gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.McMaster và Cố vấn An ninh quốc gia Nhật Bản S.Yachi; đồng thời đến Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Moskva (Nga) để tranh thủ sự ủng hộ. 

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đáp máy bay đi Thụy Điển gặp người đồng cấp M.Wallstrom, đến Stockholm thảo luận về việc Thụy Điển đăng cai tổ chức cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều. Phần Lan cũng ngỏ ý sẵn sàng đăng cai hội nghị này. Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tổ chức đàm phán cấp cao tại làng đình chiến (ngày 29/3) Panmunjom, biên giới giữa hai miền, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tháng 4; đồng thời Seoul cử một nhóm ca sĩ đến Bình Nhưỡng biểu diễn vào dịp đầu tháng 4 tới.


Sau những động thái có tính thiện chí của Mỹ-Hàn-Triều sẵn sàng đối thoại về giải trừ hạt nhân và cam kết ngừng các hoạt động thử nghiệm tên lửa, hạt nhân trong thời gian đàm phán, Nhật Bản lên tiếng: Đề nghị Hàn Quốc làm cầu nối cho cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật S.Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un. Đáp lại, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA (17/3) kêu gọi Nhật Bản cần thay đổi chính sách căng thẳng với Bình Nhưỡng. 


Trước những diễn biến mau lẹ trên bán đảo Triều Tiên, Nga, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ hòa đàm. Ngày 21-22/3, Nga cử phái đoàn do Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông A.Galushka cầm đầu đến Bình Nhưỡng, góp phần làm trung gian hòa giải. Chia sẻ với dư luận quốc tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Việt Nam ủng hộ nỗ lực mang tính xây dựng, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh và ổn định của bán đảo Triều Tiên nói riêng và thế giới nói chung”. 


HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ