A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính trị-tinh thần: Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của quân dân Thủ đô

Bài 2: Hai trận chiến đấu lịch sử của quân và dân Hà Nội

QPTĐ- Trong lịch sử hiện đại, quân và dân Thủ đô Hà Nội sẽ mãi tự hào với hai trận chiến đấu: 60 ngày đêm cùng toàn quốc kháng chiến (12/1946) và 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không (12/1972). Hai trận chiến đấu này đã ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi nhất, minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân. Đối với Thủ đô, “60 ngày đêm giam chân địch trong thành phố” và Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

60 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thủ đô

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (Tháng 8-1945), với bản chất cực kỳ phản động, lại được các nước đồng minh đế quốc giúp sức, thực dân Pháp đã dã tâm xâm lược nước ta lần nữa. Đặc biệt, chúng đã đơn phương xóa bỏ các hiệp định, hiệp ước đã ký với ta; tổ chức đánh chiếm Tây Nguyên và một phần vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội với mưu đồ nắm quyền quản lý Thủ đô, đặt ách thống trị đối với nước ta. Như vậy, Hà Nội đã trở thành chiến trường trọng điểm ngay từ đầu toàn quốc kháng chiến.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Qua 60 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân và dân Thủ đô đã đánh gần 200 trận, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giam chân quân Pháp trong lòng Thành phố vượt thời gian dự kiến, tạo điều kiện thuận lợi để Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể và các cơ quan của Thành phố rút lên Chiến khu an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.

Trong trận chiến đấu đó, "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" là lời thề trước khi bước vào cuộc chiến, là lời khen tặng và ghi nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô nói riêng, của quân dân Hà Nội nói chung. Đó là sự tiếp nối ý chí độc lập, tự cường của bao thế hệ qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là sự thể hiện và trở thành biểu tượng của ý chí, là tinh thần quyết tâm bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc của quân dân Thủ đô.

Lịch sử mãi mãi khắc ghi các trận đánh oai hùng của quân dân Hà Nội trên đường phố với hình ảnh các chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch, trận chiến đấu của Đội liên lạc đặc biệt do Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy, cùng du kích, tự vệ Tứ Tổng đưa đường cho Trung đoàn Thủ đô rút lui, đánh nghi binh, hy sinh đến người cuối cùng, làm rạng danh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Thủ đô.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

Ngày 18/12/1972, Quân đội Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có vào Hà Nội và các địa phương miền Bắc nước ta (với tên gọi Chiến dịch Linebacker II) nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế, quân sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và đặc biệt là nhằm giành ưu thế cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trên bàn đàm phán kết thúc chiến tranh với ta tại Hội nghị Paris.

Tiến hành cuộc tập kích đường không vào Thủ đô Hà Nội và miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay”-“thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng nghìn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại đã được Mỹ sử dụng.

Trước sự tấn công vô cùng man rợ của kẻ thù, cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng. Trong 12 ngày đêm, bộ đội phòng không-không quân quốc gia cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội và một số địa phương đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, bao gồm 34 chiếc B-52, làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Thất bại trên bầu trời Hà Nội, đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ngày 27/1/1973 ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, sức mạnh chính trị tinh thần của quân và dân ta giữ vị trí hàng đầu, có ý nghĩa quan trọng nhất. Sức mạnh đó thể hiện ở việc dám đánh của quân và dân ta trước sự hăm dọa về sức mạnh tàn phá của máy bay chiến lược B-52. Trên cơ sở tinh thần dám đánh, quân và dân ta đã dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, vững tin vào khả năng chiến thắng để quyết tìm ra cách đánh và quyết đánh thắng B-52. Nhờ có lòng tin vào sức mạnh chiến thắng, quân và dân ta đã chủ động khắc phục các giới hạn về tính năng kỹ thuật của vũ khí, trang bị hiện có để tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, thiết lập lưới lửa nhiều tầng, với phương án tác chiến hợp lý, đảm bảo lực lượng nào cũng có thể bắn rơi máy bay địch, vũ khí nào cũng có thể phát huy được tác dụng.

Cuộc chiến đấu “60 ngày đêm giam chân địch trong thành phố” và Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô, góp phần bồi đắp và làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thủ đô Anh hùng”; là bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta.

PHƯƠNG LINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ