A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc chiến dầu khí đốt nóng châu Âu?

 

QPTĐ-Tại thành phố Sochi (ngày 18-5), Tổng thống Nga V.Putin đón, hội đàm với Thủ tướng Đức A.Markel, thúc đẩy Dự án xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream-2 chạy dưới lòng biển Baltic sang châu Âu. Tiếp đó, Thủ tướng Nga D.Medvedev chào đón và thảo luận với Thủ tướng Đức về quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại. Đây là chuyến thăm chính thức Nga trong vòng 1 năm qua của Thủ tướng Đức trong bối cảnh Mỹ và châu Âu siết chặt cấm vận Nga. Bà A.Markel cũng là nguyên thủ quốc gia EU đầu tiên thăm chính thức Nga, dự Diễn đàn Kinh tế St.Petersburg, ngay sau khi Tổng thống V.Putin tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ 4 (ngày 7-5). 

 

 

Một hệ thống dẫn khí đốt của Nga.


Tại hội đàm, ông V.Putin cam kết, nhanh chóng đưa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 hoạt động vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 không có nghĩa là Nga sẽ dừng vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine, điều mà Kiev và Washington hết sức lo ngại. Tổng thống V.Putin cũng thẳng thắn đề cập đến sự phản đối của Mỹ về dự án này, khi Tổng thống Mỹ D.Trump luôn coi trọng việc “thúc đẩy lợi ích của các nhà đầu tư, sản xuất Mỹ, cố gắng đẩy mạnh bán khí đá phiến của Mỹ” sang châu Âu, mặc dù khí hóa lỏng tự nhiên Mỹ đắt hơn 30% so với khí đốt Nga! 


Thủ tướng A.Markel khẳng định: Đức sẵn sàng giúp đảm bảo kết quả như Tổng thống Nga cam kết và nhấn mạnh: “Đức tin tưởng vai trò của Ukraine như một quốc gia quá cảnh khí đốt, sẽ tiếp tục được duy trì sau khi xây dựng Nord Stream-2. Ukraine vẫn có tầm quan trọng chiến lược”. 


Sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine (năm 2014), Đức ủng hộ Mỹ, là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga, đáp trả việc Điện Kremlin sáp nhập Crimea vào Nga và xung đột miền Đông Dondass làm hơn 10.300 người thiệt mạng, hàng triệu người khác mất nhà cửa. Cùng thời gian đó, Chính phủ Kiev gây nhiều khó khăn, cản trở đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine, đồng thời Dự án “Dòng chảy phương Nam” cập bến các nước EU của Nga cũng bị đứt đoạn bởi sự bất hợp tác của Ukraine, Ba Lan, Hungaria và các nước vùng Baltic. 


Năm 2016, Nga lên kế hoạch xây dựng đường dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, tránh đi qua lãnh thổ Ukraine. Tiếp đến là Dự án Nord Stream-2 tức “Dòng chảy phương Bắc-2” được triển khai từ đầu năm 2017 do Nga đầu tư, xây lắp 920km đường ống đi dưới đáy Biển Đen và 200km trên bờ, được tách ra thành 2 nhánh đến Thổ và Đức, một nửa công suất cấp cho Thổ, nửa kia cấp cho châu Âu. Đường ống đi qua đáy biển Baltic đến bờ biển Đức rút ngắn khoảng cách 1.000km so với đường ống chạy qua Ukraine. Nga và Đức đi đến thống nhất, Dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” đơn thuần là một dự án kinh tế!


Đức sẽ trở thành trung tâm phân phối, điều tiết khí đốt từ Nga đến các nước châu Âu, với công suất 55 tỉ m3/năm. Đây là bước đi chiến lược, đột phá trong chiến lược năng lượng của Nga thâm nhập sâu rộng vào châu Âu, bỏ qua con đường Ukraine truyền thống; đồng thời Nga cũng qua mặt Mỹ trong cuộc đua cung cấp khí hóa lỏng (LNG) giá rẻ vào châu Âu. Dường như Tổng thống V.Putin đã thành công khi mở ra trang mới “vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu”, vắng bóng nước Mỹ? Việc Nga trở thành nhà độc quyền khí đốt ở châu Âu, không chỉ làm Mỹ lo ngại mà các quốc gia châu Âu vùng Baltic, Ukraine, Ba Lan đều tỏ ra không bằng lòng; thậm chí họ lo ngại, khi Đức trở thành nhà phân phối chính sẽ có trọng lượng hơn trong việc đặt ra các chính sách, chi phối cả châu Âu? 


Mặc dù Nga, Đức được sự ủng hộ của Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển cấp phép cho Nord Stream-2 nhưng Ba Lan, Lithuania vẫn từ chối cấp phép cho dự án này. Tuần qua (từ 15-5), các đơn vị thi công Đức đã triển khai nạo vét đáy biển để đặt đường ống dẫn khí, chạy dài từ Nga đến Lubmin, bang Mecklenburg-Vorpommern, miền Bắc nước Đức. Các nhà bảo vệ môi trường thiên nhiên Đức cảnh báo, dự án có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, gây nguy hại tới môi trường, động vật và con người; trong đó không loại trừ nguy cơ bom, mìn còn sót lại sau Thế chiến II.

 
Trước những quyết tâm hợp tác với Nga của các đồng minh: Đức, Thổ; Mỹ không đành cam chịu, Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác, làm ăn với Nga trong lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, năng lượng. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ S.Oudkirk tuyên bố: “Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu Dự án Nord Stream-2 không diễn ra”. Nhà Trắng lo ngại khả năng Ukraine sẽ bị bỏ qua trong dự án của Nga và nghi ngờ khả năng thực hiện cam kết giữa Moskva và Berlin? Mỹ không giấu giếm về mối lo an ninh với dự án, bởi nó tạo cơ hội cho Nga cài đặt các thiết bị giám sát dưới đáy biển và biển Baltic, khu vực quân sự nhạy cảm mà NATO rất quan tâm. 


Đứng trước nguy cơ bị Nga cho chầu rìa sau “Dòng chảy phương Bắc-2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, Ukraine tỏ ra hoảng loạn, kêu cầu Mỹ và EU can thiệp, cản trở Nga thực hiện dự án. Chính phủ Kiev nhãn tiền thấy mất 2,5 tỉ USD/năm (tương đương 50% giá trị xuất khẩu sang Nga năm 2017) trong số 3 tỉ USD/năm từ dòng chảy khí đốt Nga quá cảnh. Ngoài ra, chính sách “bài Nga, thân Mỹ” của Kiev đã phải trả giá đắt, khi quan hệ Nga-Ukraine đã thực sự “môi hở, răng lạnh”, các ngành kinh tế Ukraine thiệt đơn thiệt kép bởi mất thị trường và bạn hàng Nga truyền thống, sau gần một thế kỷ cùng chung sống dưới ngôi nhà Xô Viết.


Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Ukraine P.Poroshenko cho rằng, xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 là “mục đích chính trị của Nga hòng làm suy yếu, tàn phá và chia rẽ châu Âu”. Đường ống này như một cách để tiến hành “một cuộc xâm lược” vào châu Âu. Sau khi Nord Stream-2 ngập đầy khí đốt Nga, Điện Kremlin sẽ bắt đầu “cuộc tấn công mạnh mẽ hơn” vào các giá trị chung châu Âu như chính sách năng lượng, sự thống nhất, đoàn kết trong khối. “Những cam kết của Nga là những lời sáo rỗng, những định hướng nghèo nàn”-Ông P.Poroshenko nhấn mạnh. Và không phải chỉ tuyên chiến Nga bằng lời nói, người đứng đầu Chính phủ Kiev có nhiều động thái ngoại giao con thoi, vận động Đức, Ba Lan và các nước Baltic, châu Âu hủy bỏ hoặc trì hoãn “Dòng chảy phương Bắc-2”?


Tuần qua, giá dầu thô Brent Biển Bắc ở mức 79,22 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11-2014. Theo dự báo, khủng hoảng Trung Đông và căng thẳng quan hệ Mỹ-Iran, Venezuela có thể đẩy giá dầu vựợt ngưỡng 80 USD/thùng năm 2018, thậm chí 90-100 USD/thùng vào năm 2019. Vô tình, Mỹ đã làm giàu cho Nga-Nước sản xuất dầu khí lớn thứ 2 thế giới với hơn 10 triệu thùng/ngày.


NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ