A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng thống Mỹ D.Trump: Ngoại giao sức mạnh?

 

QPTĐ-Hơn 1 năm là người quyền lực nhất nước Mỹ, Tổng thống D.Trump khá trung thành với lời hứa khi vận động tranh cử: “Nước Mỹ trên hết”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ngay ngày đầu vào Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump lập tức ký Sắc lệnh hủy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi tiếp theo đó, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Biến đổi khí hậu toàn cầu (Paris 2015), gia tăng sức ép lên Mexico về bức tường biên giới, sửa đổi chính sách người nhập cư, hủy bỏ Đạo luật Bảo hiểm y tế Obamacare. Gần đây nhất, thế giới không khỏi bất ngờ với các quyết định táo bạo, khó đoán định của Tổng thống D.Trump trong mối quan hệ chiến lược Nga-Mỹ, chính sách đối ngoại Mỹ-Trung Đông và vùng Vịnh, chính sách thương mại Mỹ-Trung, áp thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ-EU, hủy thỏa thuận chương trình hạt nhân với Iran và Nhóm nước P5+1, hủy cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên dự kiến diễn ra tại Singapore vào tháng 6 tới? 

 

 

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn còn triển vọng.

                                                      Ảnh: Internet


Giới quan sát chính trị quốc tế đang cố cắt nghĩa về các hành động của ông D.Trump, phải chăng vì lợi ích dân tộc cực đoan của một nhà kinh tế tài phiệt hay độc tôn chính sách ngoại giao sức mạnh vốn có của “Chú Sam” đã và đang có cơ hội thể hiện, gây sóng gió trên chính trường thế giới? 


Trước hết, dư luận bất ngờ với tuyên bố (ngày 24-5) của Tổng thống D.Trump, hủy cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra ngày 12-6, tại Singapore do “sự giận dữ và thái độ thù địch” gần đây của Bình Nhưỡng? Cùng với đó, các quan chức Nhà Trắng cho hay: Triều Tiên tự hủy bỏ các cuộc họp trù bị mà không có hồi đáp lại Mỹ, cũng như sự chỉ trích gay gắt của Bình Nhưỡng cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ M.Pence “thiển cận” khi ông này phát biểu: “Triều Tiên không hủy bỏ chương trình hạt nhân thì hãy xem tấm gương Libya!”.

 

Trước đó, Mỹ đưa ra nhiều điều kiện cho cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều, buộc Bình Nhưỡng phải hủy bỏ chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân vô điều kiện; tháo dỡ, đưa toàn bộ vũ khí hạt nhân sang Mỹ, đưa các nhà khoa học nguyên tử Bình Nhưỡng sang Mỹ; đưa các chuyên gia Mỹ về tên lửa, hạt nhân đến Triều Tiên giám sát các vụ hủy hạt nhân; điều động binh sĩ, phương tiện chiến tranh đến các căn cứ quân sự: Hàn Quốc, Guam, áp sát lãnh thổ Triều Tiên. 


Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều tại làng đình chiến Paununjon (27-4), hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, hai nước đã đạt được một thỏa thuận lịch sử: Không có các hành động khiêu khích lẫn nhau, sớm ký Hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh; thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hòa hợp dân tộc; tăng cường các hoạt động hợp tác song phương, giao lưu văn nghệ, thể thao; tổ chức Hội nghị cấp cao giữa hai nước tại Bình Nhưỡng. 


Thể hiện thái độ cầu thị và tôn trọng lời hứa, những tuần qua, Chủ tịch Kim Jong-un đã đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo “đi tiền trạm” cho Tổng thống Mỹ, đồng thời đón 3 công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giam về tội làm gián điệp về Mỹ. Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, dùng chất nổ phá hủy cơ sở thử nghiệm hạt nhân duy nhất Punggye-ri (24-5) trước sự chứng kiến của nhóm phóng viên báo chí quốc tế. Triều Tiên tỏ ra nhượng bộ, sẵn sàng đối thoại với Mỹ mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào kể cả việc yêu cầu Mỹ rút quân khỏi xứ Hàn.

 

Ngày 24-5,Triều Tiên tuyên bố, vẫn sẵn sàng nối lại Hội nghị Cấp cao Mỹ-Triều! Ngày sau (25-5), Tổng thống D.Trump lại tuyên bố, vẫn gặp ông Kim Jong-un theo kế hoạch đã định? Chiều 26-5, tại phía Nam làng đình chiến Paununjon, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in gặp nhau lần 2 với động thái hữu hảo, bắt chặt tay và ôm hôn thắm thiết.


Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đưa ra yêu sách, kêu gọi Mỹ, Hàn Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, rút hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại xứ Hàn, chấm dứt chỉ trích Triều Tiên vi phạm nhân quyền, hủy cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn hướng mục tiêu vào Triều Tiên. 


Trước những diễn biến chóng vánh, bất ngờ từ Mỹ và Triều Tiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres bày tỏ quan ngại về quyết định đơn phương của Tổng thống Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in họp nội các khẩn cấp về tình hình an ninh. Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Pháp E.Macron, Thủ tướng Anh Th.May, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bày tỏ, “lấy làm tiếc”, “thất vọng” nếu Hội nghị Mỹ-Triều không diễn ra? 


Thế giới cũng không bất ngờ lắm với những quyết định gây sốc của Tổng thống D.Trump.

 

Đầu tháng 5 vừa qua, ông D.Trump tuyên bố, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Nhóm nước P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran năm 2015, dưới thời Tổng thống B.Obama, có sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU). Hành động đơn phương này của Mỹ bị sự chỉ trích của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nước thành viên Hội đồng Bảo an và EU nhưng Nhà Trắng vẫn phớt lờ, chẳng khác gì quyết định của Washington chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem gây nhiều tranh cãi, trái với Nghị quyết của Liên hợp quốc công nhận sự tồn tại 2 Nhà nước trên Dải Gaza. 


Dưới thời ông D.Trump, Mỹ đưa Iran, Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố, thực hiện chính sách đối đầu hơn là đối thoại. Dường như đây cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo của nhà tỉ phú D.Trump khi ông ngồi ghế Ông chủ Nhà Trắng? Với chính sách cấm người nhập cư, dọa trừng phạt các nước láng giềng không ngăn cản dòng người di tản vào Mỹ, bắt Mexico phải trả hàng chục tỉ USD xây bức tường biên giới giữa 2 nước hay ý tưởng thành lập “NATO vùng Vịnh”, gây bão khủng hoảng Qatar thúc đẩy giao dịch thị trường vũ khí; nhường cho Pháp, Arab Saudi “sân chơi” Syria đầy máu lửa, hẳn chỉ có dưới triều đại D.Trump, mang dấu ấn D.Trump! 


Tháng qua, không chỉ EU tá hỏa khi bị Mỹ áp thuế nhập khẩu mặt hàng nhôm, thép 10-25% mà Trung Quốc, bạn hàng có giá trị thương mại hơn 300 tỉ USD với Mỹ cũng phát hoảng với quyết định “bảo hộ mậu dịch” của ông D.Trump. Mặc dù Chính phủ Mỹ-Trung đã có động thái tháo gỡ cuộc chiến thương mại nhưng “sân chơi” đầy gai góc này chưa có lời giải thỏa đáng, ít ra cũng là làm vừa lòng Tổng thống Mỹ? 


Thế giới lo ngại khi Ông chủ Nhà Trắng luôn ưu tiên chính sách ngoại giao sức mạnh với những quyết định bất ngờ, trong khi Tổng thống D.Trump tuyên bố: “Mỹ không muốn làm cảnh sát toàn cầu!”. 


HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ