A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ukraine: Xa vời giấc mộng hòa nhập EU, NATO?

 

QPTĐ-Trước ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ dự kiến vào trung tuần tháng 7 tại Helsinki (Phần Lan), Nhà Trắng lại xới lên câu chuyện về chủ quyền của Nga trên bán đảo Crimea. 

 

 

Cây cầu Eo biển Kerch nối liền bán đảo Crimea với phần phía Nam của lục địa Nga. 

Ảnh: Internet  

                                                        
Trả lời báo chí trên Air Force One (ngày 29-6), Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết, “sẽ xem xét vấn đề này” cùng người đồng cấp Nga. “Quý vị hãy chờ xem”-Ông D.Trump trả lời, khi được PV hỏi: Liệu Mỹ có chấp nhận yêu cầu của Nga về tính hợp pháp sáp nhập Crimea? Trước đó, trong lần dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 ở Quebec (Canada) hồi đầu tháng 6, Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, Nga đang đầu tư mạnh vào vùng Crimea và đổ lỗi cho người tiền nhiệm B.Obama đã “cho phép Nga chiếm lấy Crimea”?

 

Rồi như tự mâu thuẫn với chính mình, ông D.Trump cho hay, dường như Crimea là của Nga bởi đa phần dân Crimea nói tiếng Nga? Lời phát biểu của Tổng thống Mỹ khác hẳn với Cố vấn An ninh quốc gia J.Bolton (27-6) cho rằng, Chính phủ Mỹ không có kế hoạch công nhận việc tái sáp nhập Crimea của Nga. Thư ký báo chí Nhà trắng S.H.Sanders (2-7) tuyên bố: Mỹ sẽ không dỡ bỏ cấm vận Nga nếu Moskva chưa trả lại Crimea cho Ukraine. 


Phản ứng của Điện Kremlin về vấn đề trên khá chậm chạp và lạnh lùng. Phát ngôn viên D.Peskov cho biết: Nga không muốn quốc tế hóa câu chuyện chủ quyền bán đảo Crimea. “Tổng thống V.Putin tuyên bố và giải thích nhiều lần cho các đối tác rằng, một vấn đề như Crimea không thể và sẽ không bao giờ nằm trong chương trình nghị sự đàm phán quốc tế, bởi Crimea là một phần của Nga”. 


Vậy là, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới, các vấn đề khác ngoài chuyện chủ quyền bán đảo Crimea đều có thể được Tổng thống hai cường quốc thế giới đối thoại và tìm cách thỏa hiệp. Dư luận đặt câu hỏi, tương lai của Thỏa thuận Bộ tứ Normady và Minski-2 về hòa bình ở miền Đông Donbass Ukraine sẽ đi về đâu? Liệu giấc mộng của Kiev nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thành sự thật? 


Người dân Ukraine chưa thể quên cuộc đảo chính nghị trường (2-2014) ở Kiev có “bàn tay đen” của giới chính trị-quân sự Mỹ. Sau chuyến thăm Kiev của Giám đốc Cơ quan Tình báo (CIA) Mỹ J.Brenam, Nhà Trắng nhận được khoản đầu tư 5 tỉ USD do Quốc hội phê chuẩn nhằm thay đổi cơ bản về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa của Ukraine. Quân đội và CIA Mỹ được cài cắm sâu trên đất Ukraine, sử dụng những tay súng bắn tỉa chuyên nghiệp người Gruzia được phương Tây huấn luyện, gây ra sự kiện đẫm máu trên Quảng trường Maidan.

 

Cách mạng màu Maidan nổ ra và cuộc đảo chính nghị trường lật đổ Tổng thống hợp hiến V.Yanukovich (thân Nga), khơi mào cho cuộc xung đột làm rung chuyển châu Âu. Mỹ đã thành công, khi dựng nhà tỉ phú P.Poroshenko (thân phương Tây) lên làm Tổng thống. Chính phủ Kiev lập tức tuyên bố chính sách “bài Nga, thân Mỹ”, tham vọng hội nhập EU, gia nhập NATO. Lấy lòng Mỹ và phương Tây, chính quyền P.Poroshenko công khai tuyên chiến với Nga và những người anh em trong gia đình Liên bang Xô Viết cũ. 


Tháng 3-2014, Tổng thống V.Putin ký Sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý, hơn 95% người dân bán đảo này ủng hộ tái hòa nhập lại đất Mẹ Nga. Trên thực tế, nửa thế kỷ trước, Crimea thuộc Nga và chỉ được cắt về Ukraine như một phần quà thưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao tặng cho Kiev sau một phiên họp dưới thời Tổng Bí thư N.S.Khrushchyov (1953-1964). Lập tức, Mỹ và phương Tây tuyên bố cấm vận Nga. Cuộc chiến cấm vận kéo dài hơn 4 năm qua, lại vừa được Mỹ, EU tăng thời gian thêm 1 năm nữa.


Cách mạng màu thành công ở Ukraine là một tổn thất lớn với Nga. Ukraine và Nga có chung đường biên giới hàng trăm cây số. Biển Đen-Một trong 4 hạm đội mạnh của Hải quân Nga với hàng trăm tàu nổi, tàu ngầm, phương tiện quân sự, vũ khí đóng trên bán đảo Crimea, Sevastopol và biển Đen. Nga có hàng trăm cơ sở hợp tác kinh tế, quốc phòng các ngành: Công nghiệp máy bay, tàu thủy, xe tăng, máy động lực với Ukraine. Chính phủ Kiev cắt quan hệ với Nga không chỉ gây tổn hại cho chính mình mà Moskva cũng hứng chịu thiệt hại to lớn về kinh tế. Chưa kể, Kiev gia nhập NATO, quân đội  Mỹ và phương Tây đã áp sát nước Nga?

 

Đó chính là lý do buộc Điện Kremlin không dễ dàng cho Kiev sớm thực hiện mục đích “thân Mỹ”, gia nhập EU, NATO?


Hiện, Nga đã đổ hàng chục tỉ USD tái thiết Crimea, trước khi Kiev cắt đứt tiếp tế điện, nước, hàng hóa cho bán đảo này. Tháng 5 vừa qua, Nga khánh thành cây cầu Kerch dài 19 km bắc qua biển, trị giá 4 tỉ USD, nối đất liền với Crimea. Trên bán đảo này, ngoài Hạm đội Biển Đen cùng các loại vũ khí tối tân: Hệ thống phòng không S-300, S-400, Pantsir-S1, Tor-M2 còn có hàng trăm máy bay, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ. Đó là điều làm phương Tây ngứa mắt!


 Từ năm 2014, Ukraine được Quốc hội Mỹ thông qua một gói viện trợ 1 tỉ USD và 53 triệu USD viện trợ quân sự, vũ khí phi sát thương. EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cho Kiev vay 26 tỉ USD. Tuy nhiên, phương Tây không thể cho không như Kiev lầm tưởng nên Ukraine vừa phải trả gốc lãi lần đầu lên đến 455 triệu USD. “GDP thực tế của Ukraine đã giảm 35%, là kết quả tồi tệ nhất trong vòng 24 năm qua. Chúng tôi thậm chí còn rơi xuống vị trí thấp hơn cả Zimbabwe, Trung Phi”-Nghị sĩ V.Rabinovich, Đảng “Vì cuộc sống” Ukraine chua xót nhận xét. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.C.Juncker tuyên bố: Phải hơn 20 nữa, Ukraine mới hội nhập được với châu Âu! 


Gần đây, Mỹ chi hàng trăm triệu USD viện trợ, bán vũ khí cho Kiev nhằm chống lại sự nổi dậy của 2 Nhà nước tự xưng: Donetsk (DPR) và Lugansk (LRP). Cuộc xung đột ở miền Đông Donbass trong mấy năm qua làm hơn 10.000 người thiệt mạng, hàng triệu người khác mất nhà cửa. Chính phủ Kiev lâm vào khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế. Mỹ đang cùng các đồng minh: Anh, Canada, Ba Lan, Lithuania đưa chuyên gia quân sự huấn luyện binh sĩ Ukraine theo tiêu chuẩn NATO. Quân đội Ukraine được mời tham gia tập trận cùng NATO. Tuy không là thành viên chính thức nhưng Ukraine đã được Mỹ tin dùng, trở thành lực lượng xung kích của Mỹ và NATO, gây áp lực với nước Nga.


                                HÀ NGỌC

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ