A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng thẳng quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ?

 

QPTĐ-Tuần qua, Tổng thống Mỹ D.Trump ra lệnh tăng thuế nhập khẩu hàng nhôm, thép từ Thổ Nhĩ Kỳ lên gấp đôi so với các nước khác, tức là 20% với nhôm và 50% với thép. Tuyên bố cứng rắn của Nhà Trắng áp trừng phạt kinh tế nhằm vào Ankara-Đồng minh NATO, liên quan đến các phi vụ thượng mại và việc Thổ bắt giữ linh mục người Mỹ A.Brunson, bất chấp sự can thiệp của Nhà Trắng? 

 

 

Xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới một ngôi làng ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
  Ảnh: Internet


Trước đó, cuối tháng 7-2018, lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Ngân sách Quốc phòng năm 2019, yêu cầu “đóng băng hợp đồng chuyển giao chiến đấu cơ đa năng F-35 thế hệ 5” cho Thổ, “không loại trừ khả năng loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình này”, bởi nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Đồng thời, giới chức lập pháp Mỹ yêu cầu “thả ngay lập tức linh mục A.Brunson và những công dân Mỹ khác bị giam giữ sai phép hoặc bất hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Cùng thời gian này, Bộ Tài chính Mỹ áp biện pháp trừng phạt quan chức Thổ bao gồm Bộ trưởng Tư pháp A.Guul, Bộ trưởng Nội vụ S.Soylu, đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh vào Mỹ. 


Đáp trả, Tổng thống Thổ T.Erdogan tuyên bố, chính thức đóng băng tài sản của Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông T.Erdogan phát biểu trên truyền hình quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ không muốn tham gia vào “trò chơi tất cả cùng thua” với Mỹ. “Việc gắn các xung đột chính trị và pháp lý với vấn đề hợp tác kinh tế sẽ chỉ gây tổn hại tới quan hệ song phương”. Đồng thời, Tổng thống Thổ hối thúc người dân bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công kinh tế và khẳng định, chính quyền Thổ sẽ đứng vững và thách thức khả năng Mỹ có nguy cơ mất đi một đối tác mạnh mẽ và chân thành. 


Lập tức, Tổng thống D.Trump viết trên Twitter: “Tôi vừa xử phạt gấp đôi thuế thép và nhôm, tại thời điểm mà tiền tệ của họ, đồng lira Thổ, giảm mạnh so với đồng dollar rất mạnh của chúng ta. Bây giờ, chúng ta có quan hệ xấu với Thổ Nhĩ Kỳ”. 


Nguyên do nào dẫn đến xung đột thương mại Mỹ-Thổ? Vì sao lại xảy ra cuộc khẩu chiến, thách thức pháp lý giữa hai đồng minh NATO? 


Là thành viên NATO, Thổ có vị trí đắc địa-Cầu nối Trung Đông với châu Âu. NATO đặt căn cứ quân sự chiến lược Incirlik (tại Saricam, tỉnh Adana của Thổ) gồm lực lượng không quân cực mạnh, Trung tâm chỉ huy tác chiến khu vực Trung Đông. Nga cảnh báo, nơi đây có kho tên lửa đạn đạo của Mỹ kể cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, do các sĩ quan Hoa Kỳ chỉ huy. Thổ có lực lượng quân sự mạnh thứ 2 NATO, sau Mỹ, nên luôn được Mỹ và NATO giao trọng trách “tiên phong”, gây ảnh hưởng ở Trung Đông; trấn áp phiến quân ở Iraq, Syria; đối trọng với Nga, Iran. Thổ có nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).


Tháng 12-2015, cuộc chiến chống khủng bố của Nga ở Syria đang trên đà thắng lợi, phe đối lập và phiến quân Hồi giáo IS bị dồn vào thế phòng ngự thì xảy ra vụ máy bay Thổ “bắn lén” Su-24 Nga làm 1 phi công Nga thiệt mạng. Quan hệ Nga-Thổ căng thẳng với các tuyên bố trừng phạt kinh tế, ngoại giao, sẵn sàng một cuộc xung đột vũ trang. 


Mối quan hệ Mỹ-Thổ, Nga-Thổ đổi chiều khi nổ ra cuộc đảo chính (tháng 7-2016) hòng lật đổ Tổng thống T.Erdogan. Sự thật trớ trêu, Tình báo Nga phát hiện ra âm mưu đảo chính và chính người Nga đã cứu thoát không chỉ ông T.Erdogan mà cả Chính phủ của ông ta sau 2 ngày hàng ngàn binh sĩ, cảnh sát nổi loạn ở thủ đô Ankara và vài thành phố khác. Phản đảo chính, Tổng thống T.Erdogan ra lệnh cấm trại binh sĩ, bao vây căn cứ không quân Incirlik-Trung tâm chỉ huy đảo chính, bắt giữ hàng trăm sĩ quan cấp cao quân đội, cảnh sát. Thổ cáo buộc, Cơ quan Tình báo Mỹ CIA hậu thuẫn giáo sĩ F.Gulen, sống lưu vong ở Mỹ, kêu gọi và chỉ huy lật đổ chính quyền T.Erdogan? 


Quan hệ Mỹ-Thổ rạn nứt lại càng gia tăng khi Mỹ kiên quyết không trục xuất giáo sĩ F.Gulen theo yêu cầu của Thổ; Nhà Trắng lên án Chính phủ Ankara vi phạm tự do, dân chủ, sa thải, bắt bớ, giam giữ hàng chục ngàn người đối lập, kể cả khôi phục án tử hình treo cổ. Vậy là, bóng đen đã bao phủ quan hệ song phương Mỹ-Thổ kéo dài từ thời Tổng thống B.Obama đến nay.


Cuối năm 2016, Thổ nối lại mối quan hệ “môi hở răng lạnh” với Nga sau chuyến thăm, đàm phán cấp cao giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Thổ T.Erdogan về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Nga mở rộng các thương vụ nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nông sản; hợp tác về lao động, xây dựng, du lịch, năng lượng với Thổ. Nga, Iran là 2 nước cung cấp dầu khí lớn nhất cho Thổ. Nga tái khởi động xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (tỉnh Mersin) và thúc đẩy Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” giai đoạn 2 chạy qua Bulgaria, theo Biển Đen đến Nam Âu, đi vào sử dụng vào tháng 12-2019, cấp 15,7 tỉ m3/năm. 


Bộ ba: Nga-Thổ-Iran đang là trung gian hòa giải xung đột Syria; trong khi Thổ hậu thuẫn Quân đội Tự do Syria (FSA) chiếm cứ một vùng đệm 5.000km2 trên đất Syria, “ngăn cản người Kurd thành lập khu tự trị”? Sự hợp tác Nga-Thổ-Iran, dù là “đồng sàng dị mộng”, mỗi bên có những lợi ích riêng nhưng chẳng khác gì cái gai đâm vào mắt người Mỹ; bởi Nga, Iran không được xem là bạn của Mỹ nếu không muốn nói là kẻ thù! Trung Đông đang là điểm nóng với các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, biên giới Lebanon và Jordan. Với vai trò “Cảnh sát toàn cầu”, Mỹ thật khó chấp nhận Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ đang trỗi dậy, cạnh tranh quyền lực, lợi ích với Mỹ hoặc “tài trợ khủng bố”? 


Dù là phản ứng yếu ớt nhưng Chính phủ Ankara kiên quyết đưa linh mục Mỹ A.Brunson ra tòa, bởi cáo buộc ông này liên hệ với giáo sĩ F.Gulen và hàng chục sĩ quan Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik làm đảo chính hụt năm 2016. Thổ tuyên bố phong tỏa căn cứ quân sự này. Nếu căn cứ NATO bị khám xét, sĩ quan chỉ huy Mỹ bị bắt giữ sẽ là đòn chính trị đánh thẳng vào Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Đại Tây Dương; cũng là sự suy giảm niềm tin của Ankara với đồng minh Mỹ và NATO? Mỹ hủy thương vụ bán 100 máy bay F-35 trong kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu liên hợp (JSF) với Thổ, bởi Ankara chê hệ thống phòng không PAC-3 Mỹ, đặt mua S-400 của Nga. 


Hẳn, Thổ cũng có lý để lựa chọn bạn hàng kinh tế, quốc phòng, kể cả dòng người tị nạn vào châu Âu nhưng khi lạm phát 16%, đồng lira giảm giá 50%, liệu Ankara có chịu được bao lâu trước đòn cấm vận của Washington? 


                                     NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ