A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau Hội nghị Helsinki, nghị trường Mỹ dậy sóng?

 

QPTĐ-Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7 được Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin ghi nhận là “tích cực”, “rất tốt”, mở ra khởi đầu lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước. 

 

 

Tổng thống Nga, Mỹ tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Helsinki.
 Ảnh: Reuters


Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, hợp tác kinh tế song phương, các vấn đề đáng quan tâm về Syria, Iran, Israel, Trung Đông, vùng Vịnh, Crimea-Ukraine, Triều Tiên và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy còn nhiều bất đồng nhưng sự cởi mở và thái độ thẳng thắn bày tỏ chính kiến trong quan hệ song phương và những vấn đề toàn cầu được trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo đã đặt nền móng cho các quan hệ trong tương lai, là cơ sở nối lại các cuộc đàm phán tiếp theo.


Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres và dư luận yêu chuộng hòa bình thế giới lên tiếng hoan nghênh sự hợp tác ban đầu giữa hai cường quốc về quân sự, tháo gỡ bất đồng thông qua đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, một số đồng minh của Mỹ lại tỏ ra lo ngại, “bắt tay Nga-Mỹ” sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc của họ? Và sóng gió lại nổi lên ở chính ngay trong lòng nước Mỹ? 


Trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ (13-7), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ R.Rosenstein công bố kết quả điều tra và chính thức truy tố 12 sĩ quan Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) xâm nhập hệ thống máy tính Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ và Ban vận động tranh cử của ứng cử viên H.Clinton để đánh cắp tài liệu, gây bất lợi cho bà H.Clinton, khiến làm sai lệch kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

 

Đây cũng là cáo buộc của Đảng Dân chủ và Nhóm Nghị sĩ đảng này trong Quốc hội Mỹ kéo dài gần 2 năm qua, không chỉ làm dậy sóng nghị trường Mỹ mà còn là “nguyên nhân chính cản trở việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ”-Theo nhận định của Tổng thống D.Trump. Trước đó, ông D.Trump cho rằng, cáo buộc điều tra bầu cử của Công tố viên đặc biệt R.Mueller là “một cuộc săn phù thủy” chỉ nhằm gây tổn hại trong quan hệ Nga-Mỹ.


Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần tuyên bố bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ và khẳng định, Nga không bao giờ can thiệp bầu cử Mỹ. Việc Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội 12 công dân Nga can thiệp bầu cử là vô căn cứ. Tổng thống V.Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ điều tra về can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016? 


Quan hệ Nga-Mỹ xấu đi nghiêm trọng kể từ sự kiện Crimea, khủng hoảng chính trị Ukraine năm 2014, Mỹ và phương Tây áp lệnh cấm vận Nga. Thế giới cảnh báo, quan hệ Đông-Tây trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh! 


Ngay sau khi ông D.Trump trở thành Ông chủ Nhà Trắng thứ 45 (1-2017), Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật với Nga, hạn chế quyền của Tổng thống, việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ phải được Quốc hội cho phép. Ông D.Trump và các thành viên Ban vận động bầu cử năm 2016 cũng phải đương đầu với hàng loạt cáo buộc về “thông đồng với Nga”, bị Cục Tình báo Liên bang (FBI), Bộ Tư pháp và Công tố viên đặc biệt do Đảng Dân chủ đề xuất, điều tra nghi vấn trong bầu cử Tổng thống. Thậm chí, các nghị sĩ Mỹ cáo buộc ông D.Trump tin dùng các thông tin của người Nga hơn cả tình báo Mỹ?


Trong 2 tuần qua (hậu Helsinki 16-7), Nhóm Nghị sĩ Đảng Dân chủ khuyến nghị, đưa nữ phiên dịch viên của Tổng thống D.Trump ra điều trần trước lưỡng viện để làm rõ việc ông D.Trump “có thỏa thuận riêng” với Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc họp kín (2 vị lãnh đạo và 2 phiên dịch) kéo dài hơn 2 giờ, có nguy cơ làm tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ? Dường như giới chính trị tinh hoa Mỹ, chứ không chỉ có phái chính trị diều hâu, chung nhau nhận định: Ông D.Trump có những nhượng bộ với Nga, chịu lép vế trước Tổng thống V.Putin; trong khi ông V.Putin lần đầu ca ngợi: Ông D.Trump rất chuyên nghiệp, có biệt tài ngoại giao! Các chính khách Nga đưa ra bình luận: Tổng thống D.Trump là đối tác của Nga, trong khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố: Tổng thống Nga V.Putin là đối thủ của Mỹ! Tuần qua, dư luận Mỹ lại nổi sóng khi Tổng thống D.Trump đề xuất, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ lần 2 có thể nhóm họp vào mùa Thu tới? 


 Sau 1 năm rưỡi cầm quyền, trung thành với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống D.Trump gặt hái được nhiều thành quả cả về đối nội, đối ngoại. Tổng thống D.Trump cũng không ngần ngại cho rằng, ông đã vượt lên, làm được nhiều việc lớn mà các Tổng thống tiền nhiệm chưa có cơ hội thực hiện. Tuy nhiên, với cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và táo bạo, bất ngờ trong nhiều quyết định, ông D.Trump cũng không ít lần tự làm khó mình trong các cuộc chiến về đối nội, đối ngoại; về kinh tế, thương mại toàn cầu. 


Trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, dù không chính thức thừa nhận nhưng Mỹ và phương Tây đều nhận thấy, không thể thiếu Nga. Việc Nga đánh bại phiến quân Hồi giáo IS ở Syria, bảo vệ chính quyền của Tổng thống B.al-Assad là bài học nhãn tiền cho thấy, Nga không dễ bị NATO, Mỹ qua mặt? Có lẽ đây cũng là nguyên cớ để NATO luôn kêu gọi Nga rút binh sĩ khỏi Gruzia, Moldova, Donbass? Mỹ đang loay hoay với bài toán ở Trung Đông, cân nhắc rút quân khỏi Syria, tháo gỡ vũng lầy Afghanistan, tham gia cuộc chiến liên quân vùng Vịnh ở Yemen? Hậu thuẫn Chính phủ Kiev đòi lại Crimea, chống dân quân ly khai vùng miền Đông Donbass, Ukraine là nước cờ chiến lược của Mỹ. 


Đánh thuế mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu 10-25%, Mỹ chính thức tuyên chiến thương mại với EU và Trung Quốc với giá trị hàng hóa 300-500 tỉ USD. Kêu gọi NATO đóng góp 2-4% GDP/năm cho ngân sách quốc phòng, Mỹ đang bị phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh. Mỹ kêu gọi các nước châu Âu, Nhật, Hàn chia sẻ gánh nặng chi phí cho 60.000 lính Mỹ, ở Nhật 35.000 và 28.500 lính đồn trú ở Hàn Quốc; mua sắm vũ khí bảo vệ các đồng minh nếu không muốn tự bảo vệ? 


Trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân P5+1 ký với Iran, Liên hợp quốc và châu Âu bày tỏ sự lo ngại căng thẳng quan hệ Mỹ-Iran. Tổng thống D.Trump quyết định, áp lệnh trừng phạt lên Tehran và tuyên bố: Iran đừng bao giờ đe dọa Mỹ nếu không muốn hứng chịu những hậu quả nặng nề! Mỹ cáo buộc Iran tài trợ khủng bố.


Hiện, nước Mỹ đang phải đối mặt với không ít khó khăn nội tại và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cũng như “nguy cơ Nga xâm lược châu Âu”-Những nguyên do mà Tổng thống D.Trump đang bị phe đối lập chỉ trích? 


NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ