A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Thượng đỉnh mang dấu ấn lịch sử Nga-Mỹ

 

QPTĐ-Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin diễn ra tại Helsinki (Phần Lan) vào đầu giờ chiều ngày 16-7 (17 giờ, giờ Việt Nam) được giới quan sát chính trị quốc tế chờ đợi từ lâu. Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã gạt đi nhiều bất đồng, bước qua lực cản từ nhiều phía để có cuộc gặp song phương, ghi dấu ấn lịch sử quan hệ đối ngoại Nga-Mỹ!

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan.     


Đến trước thềm Hội nghị, cơn sóng gió gây áp lực, cản phá Hội nghị vẫn ào ào dội tới, khi Nhóm Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ khuyến nghị Tổng thống D.Trump không đến Helsinki và Bộ Tư pháp Mỹ (13-7) công bố kết quả điều tra, chính thức truy tố 12 sĩ quan tình báo Nga (GRU) đã xâm nhập máy tính Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016? 


Thủ đô Helsinki được chọn là địa điểm gặp gỡ bởi Phần Lan theo đường lối trung lập, không tham gia Tổ chức NATO; nơi đây đã chứng kiến 3 cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô, Nga kể từ năm 1975. Đây cũng là nơi nguyên thủ 33 nước châu Âu, trong đó có Liên Xô, cùng Mỹ, Canada ký Hiệp ước Helsinki-1975 về giải trừ vũ khí hạt nhân. 


Hiện, có 1.500 phóng viên báo chí quốc tế từ 60 quốc gia, trong đó có 300 nhà báo Nga, đến Helsinki đưa tin Hội nghị. An ninh vùng thủ đô Phần Lan được siết chặt. Nội dung chi tiết về chương trình cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ được giữ kín đến phút chót. 


Sau khi dự Hội Nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ (11-12/7) và thăm chính thức Vương quốc Anh (12-14/7), Tổng thống Mỹ D.Trump ghé về khu nghỉ dưỡng, sân golf quốc tế của gia đình Trump ở Scoland (14-15/7). Chiều ngày 15-7, chuyên cơ Không lực Một đưa ông D.Trump và phu nhân cùng Đoàn tùy tùng đáp xuống sân bay quốc tế Helsinki vào 18 giờ 50 phút (giờ địa phương). Theo giới báo chí, Tổng thống D.Tump ở tại khách sạn Hilton Helsinki Kalastajatorppa.

 

Đây là khách sạn sang trọng, cách xa đường giao thông chính, được bảo đảm an ninh tốt, xây dựng từ năm 1910 với kiến trúc cổ mệnh danh là “túp lều của ngư dân” và được cải tạo vào năm 1975 với 158 phòng 5 sao, giá mỗi đêm khoảng 2.000-2.200 euro/phòng. Sáng ngày 16-7, ông D.Tump cùng phu nhân Melania đến Phủ Tổng thống Phần Lan, gặp gỡ và ăn sáng với Tổng thống nước chủ nhà S.Niinisto. 


Tổng thống V.Putin lại bận rộn với Chương trình World Cup 2018 tổ chức tại Nga. Tối 15-7, ông V.Putin xem trận Chung kết bóng đá quốc tế giữa 2 đội Pháp và Croatia cùng Chủ tịch FIFA G.Infantino, Tổng thống Pháp E.Macron, nữ Tổng thống Croatia K.G.Kitarovic; trao Cúp vàng Vô địch cho đội tuyển Pháp, giải Á quân cho đội tuyển Croatia. Tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga, nước chủ nhà đăng cai năm 2018, trao quyền tổ chức World Cup 2022 cho Vương quốc Qatar. Tổng thống V.Putin hội đàm với Tổng thống Pháp E.Macron, kỳ vọng gắn kết hợp tác đầu tư, thương mại Nga-Pháp, mở cánh cửa vào EU. Ông V.Putin đến Helsinki vào cuối sáng ngày 16-7, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. 


Khoảng 14 giờ chiều ngày 16-7, hai vị Tổng thống Nga-Mỹ có cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên tại Dinh Tổng thống Phần Lan, bắt đầu là cuộc họp kín kéo dài hơn 2 tiếng, chỉ duy nhất mỗi bên có 1 phiên dịch tham dự. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiếp tục họp mở rộng, dùng bữa ăn trưa kết hợp làm việc cùng 6 trợ lý của mỗi bên. Về phía Mỹ, ngoài phu nhân Melania còn có Ngoại trưởng M.Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia J.Bolton, Chánh Văn phòng Nhà Trắng J.Kelly, Cố vấn Tổng thống F.Hill, Đại sứ Mỹ tại Nga J.Huntsman. Phía Nga có Ngoại trưởng S.Lavrov, Phát ngôn viên Điện Kremlin D.Peskov.


Cuộc họp kín giữa hai vị Tổng thống không được tiết lộ nội dung, tuy nhiên, ông D.Trump nói rằng: “Tôi nghĩ đó là một khởi đầu tốt đẹp. Rất, rất tốt đẹp cho tất cả mọi người”. Ông V.Putin cho biết: “Đã đến lúc thảo luận nghiêm túc về các vấn đề quan hệ song phương cũng như hàng loạt vấn đề quốc tế cấp bách khác”. Trên trang Twitter của Đại sứ quán Nga tại Mỹ đưa thông tin, Tổng thống Nga muốn thảo luận với Tổng thống Mỹ về các vấn đề gồm phương thức bình thường hóa quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế, đặc biệt là tình hình ở Syria, Ukraine, bán đảo Triều Tiên, chống chủ nghĩa khủng bố.


Cùng thời gian này, hai vị Ngoại trưởng Nga-Mỹ cũng tiến hành đàm phán song phương. Cuối giờ chiều cùng ngày, Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin có buổi họp báo chung trong gần 1 giờ đồng hồ. 


Những thông tin mà báo chí ghi nhận được trong buổi họp báo được xem là khá ít. Hai bên cam kết duy trì kênh liên lạc mở giữa cơ quan an ninh của nhau chống lại mối nguy cơ từ khủng bố; thành viên Hội đồng An ninh quốc gia hai nước sẽ gặp nhau sau các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh này. Hai bên để ngỏ khả năng về các cuộc gặp tương tự trong tương lai. Nga bày tỏ mối quan ngại khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

 

Nga phản đối cơ quan Tư pháp Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong khi Mỹ cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi. Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ điều tra cáo buộc 12 sĩ quan an ninh Nga xâm nhập máy tính của Ủy ban Bầu cử Đảng Dân chủ Mỹ. Nga đánh giá Moskva và Washington có thể đảm nhận vai trò thủ lĩnh trong việc giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Hai bên nhất trí thành lập một nhóm chung để tập hợp “các ông lớn” của giới kinh doanh, bắt tay hợp tác kinh tế. Mỹ phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ trong khi Nga khẳng định, vấn đề Crimea đã khép lại, không đưa ra bàn luận. 


Cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kéo dài hơn 4 tiếng, ghi dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai cường quốc về quân sự, khi hai quốc gia này nắm giữ đến 90% kho vũ khí hạt nhân toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ mở ra cách tiếp cận mới với các quốc gia khác nhau về thể chế chính trị, thậm chí đối địch nhau. Người ta đặt hy vọng về sự cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc Nga-Mỹ trong tương lai không xa. Dư luận thế giới bày tỏ sự ủng hộ về cách tháo gỡ căng thẳng ngoại giao thông qua đối thoại Nga-Mỹ, trước đó là đối thoại Mỹ-Triều Tiên, Hàn Quốc-Triều Tiên, nhằm hướng tới một thế giới phi hạt nhân, hòa bình và ổn định. 


NHẬT KIỀU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ