A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng thống Mỹ D.Trump: Sẵn sàng đàm phán với Iran?

 

QPTĐ-Tháng 5 vừa qua, Tổng thống D.Trump tuyên bố: Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Nhóm P5+1 ký với Iran năm 2015; đáp lại, Iran cảnh báo sẽ nối lại hoạt động làm giàu Uranium-Nguyên liệu để tạo ra năng lượng nguyên tử và sản xuất vũ khí hạt nhân? Đây là cú sốc với dư luận quốc tế, đạp đổ những nỗ lực trong nhiều năm qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) nhằm thuyết phục Iran từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân; đổi lại, Liên hợp quốc và Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo này. 

 

 

Tổng thống D.Trump.


Cuối tuần qua, sau những lời lẽ cứng rắn vốn có dành cho Iran, Tổng thống Mỹ D.Trump bất ngờ dịu giọng: “Mỹ sẵn sàng đạt thỏa thuận thực sự với Iran”? Tuyên bố của Ông chủ Nhà Trắng hé lộ tia hy vọng, có thể tháo gỡ căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran thông qua con đường đàm phán hòa bình. Giới phân tích chính trị đang mơ về cách thức mà Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, như đã từng làm với Triều Tiên thông qua cam kết Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore (12-6-2018). 


Ngược dòng thời gian, Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) Kế hoạch hành động chung (JCPOA), gọi tắt là “Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015”, có sự bảo trợ của Liên hợp quốc và EU. Thỏa thuận buộc Iran cam kết từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân; có lộ trình đóng cửa, tháo dỡ các cơ sở làm giàu uranium, không sản xuất vũ khí hạt nhân dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Liên hợp quốc, EU và Nhóm P5+1 cam kết dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran. 


Kế hoạch JCPOA năm 2015 được dư luận quốc tế đánh giá cao, là cơ sở pháp lý tiến tới hủy bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, “có nguy cơ đe dọa an ninh của Mỹ và hòa bình thế giới”. Đổi lại, Iran có cơ hội khôi phục, phát triển kinh tế sau hàng chục năm bị cấm vận; hàng loạt tài sản của Tehran trị giá hơn trăm tỷ USD ở nước ngoài được tháo dỡ phong tỏa. Đây được xem như một thắng lợi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống B.Obama. Tuy nhiên, JCPOA bị ông D.Trump chỉ trích là “một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phương pháp”, làm cho nước Mỹ mất thế chủ động?


Ba năm qua (2015-2018), sau khi dỡ bỏ cấm vận, Iran nhanh chóng hội nhập nền kinh tế mở toàn cầu, có đà phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng, năng lượng và dầu khí. Tiếng nói của Tehran có vị thế quan trọng trong khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, giải quyết xung đột ở Yemen, tham gia bảo vệ Chính phủ Vương quốc Qatar trong vòng vây cấm vận ngoại giao; đặc biệt, Iran xứng tầm là đối thủ quân sự với Israel, Arab Saudi-Đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, trong khi Iran lại “thân Nga, xa Mỹ”. Đây là điều khiến phái chủ chiến ở Nhà Trắng khó có thể làm ngơ? 


Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA có sự hậu thuẫn tích cực của Israel, Arab Saudi; kêu gọi các nước EU làm theo Mỹ để cô lập Iran. Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran được khôi phục, chính thức có hiệu lực từ ngày 6-8-2018 liên quan đến lĩnh vực kim loại, ô tô. Từ ngày 4-11-2018, sẽ áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ (ngành kinh tế mũi nhọn của Iran) và ngân hàng. 


Hơn 2 tháng qua, Tổng thống D.Trump, Ngoại trưởng M.Pompeo và các quan chức Bộ Tài chính, Bộ Thương mại Mỹ không ngừng đưa ra những tuyên bố sắc lạnh, mạnh mẽ nhất với “đòn trừng phạt mạnh chưa từng có” nhằm vào Tehran. Đáp lại, Tổng thống Iran H.Rouhani cảnh báo: “Nếu muốn hòa bình, Iran sẽ có mẹ của hòa bình. Nếu Mỹ gây chiến, Iran sẵn sàng có mẹ của chiến tranh”. Ông D.Trump lập tức trả lời trên Twitter: “Đừng bao giờ đe dọa Mỹ nữa, nếu không các ông sẽ phải hứng chịu hậu quả khủng khiếp nhất”. Tuy vậy, vài ngày sau, Ông chủ Nhà Trắng lại bất ngờ viết trên trang Twitter rằng: “Mỹ sẵn sàng thỏa thuận thực sự với Iran”? 


Trong tháng qua, Iran gia tăng quan hệ đối ngoại tranh thủ sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và các thành viên Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Đức) để duy trì JCPOA, tránh lệnh cấm vận của Mỹ. Tổng thống Iran H.Rouhani xuất ngoại, thăm Thụy Sĩ, Áo nhằm tranh thủ sự cam kết của EU về hợp tác kinh tế với Tehran. Trong tình huống xấu, Mỹ đơn phương áp lệnh cấm vận thì EU vẫn bắt tay với Iran thực hiện các thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, đó là điều khó bởi các nước e ngại Mỹ trả đũa. Mỹ sẽ áp lệnh cấm vận với tất cả các thực thể là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, không miễn trừ bất kỳ đối tượng nào.


Việc Washington đưa ra thời điểm ngày 6-8 và 4-11-2018 là “dự lệnh” dao động từ 90-180 ngày nhằm mục đích cho phép các thực thể kết thúc các giao dịch, mối liên hệ với Iran. Mỹ kỳ vọng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0. Và như vậy, Tehran sẽ mất đi vài chục tỉ USD/năm từ nguồn thu dầu khí? Tehran sẽ bị bóp nghẹt nguồn thu hút vốn và đầu tư nước ngoài. Hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới bị gây khó sẽ rút khỏi Iran. Hàng triệu lao động ở quốc gia Hồi giáo này lâm vào cảnh thất nghiệp. Tehran sẽ hỗn loạn do nền kinh tế bất ổn, biểu tình chống Chính phủ do phe đối lập phát động sẽ nổ ra? 


Trước những toan tính của Mỹ, Iran không hề nao núng. Thiếu tướng Q.Soleimani, Tư lệnh lực lượng dân quân Basij, Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố: “Nếu Mỹ gây chiến, chúng tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến đó. Chiến tranh sẽ phá hủy tất cả những gì nước Mỹ có, vì thế Mỹ nên cẩn thận”. Iran tuyên bố sẽ làm giàu uranium lên cấp độ 20%, mở lại các cơ sở hạt nhân. Tehran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, phong tỏa biển bằng 6.000 quả thủy lôi và một hạm đội mạnh. Hormuz là nơi trung chuyển 20% sản lượng dầu mỏ thế giới từ các nước vùng Vịnh với 17-18 triệu thùng dầu và 3 triệu thùng sản phẩm dầu/ngày. Sản lượng giảm, giá dầu sẽ tăng lên 100-150 USD/thùng? Mỹ, Trung Quốc là những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

 

Tháng qua, giá dầu tăng từ 59,9 lên 71 USD/thùng (hơn 11 USD/thùng) khiến Mỹ chi tăng 99,9 triệu USD/ngày, tức mất 36,4 tỉ USD/năm. Nếu dầu mỏ đến hơn 100 USD/thùng, nước Mỹ tăng chi phí nhiên liệu đến 100-200 tỉ USD/năm. Chỉ Nga là ung dung hưởng lợi bởi Moskva đang khai thác 10 triệu thùng dầu/ngày và đang làm chủ thị trường năng lượng châu Âu. Và Washington không dễ dàng gây chiến với Iran-Một quốc gia có tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân. 


HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ