A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lộ trình hòa bình mới ở Syria?

 

QPTĐ-Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Nga V.Putin cùng Thủ tướng Đức A.Markel, Tổng thống Pháp E.Macron, Tổng thống Thổ T.Erdogan có cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên (27-10) nhằm thảo luận về một giải pháp hòa bình, hòng chấm dứt xung đột ở Syria. 

 

 

Tên lửa chống tăng TOW do Mỹ chế tạo đã bị quân đội Syria thu giữ.
                                                                             Ảnh: Internet


Hội nghị ra Tuyên bố chung khẳng định, cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp chính trị-ngoại giao; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Syria cũng như sự cần thiết của cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân. Hội nghị bày tỏ sự ủng hộ đối với một tiến trình toàn diện do Liên hợp quốc dàn xếp, được người dân Syria dẫn đầu và làm chủ; kêu gọi thành lập một ủy ban hỗn hợp bắt tay ngay vào việc soạn thảo hiến pháp mới cho Syria bắt đầu từ cuối năm 2018. Tuyên bố chung đề cập đến sự tạo điều kiện an toàn trên khắp lãnh thổ Syria để người tị nạn tự nguyện hồi hương. Các nhà lãnh đạo đồng tình với quan điểm của Nga đưa ra: “Số phận của Syria  nên để người dân Syria tự quyết định”.


Bày tỏ chính kiến của mình, Thủ tướng Đức A.Markel và Tổng thống Pháp E.Macron nhấn mạnh, không thể dung thứ cho bất kỳ đối tượng, phe phái nào sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân. Bà A.Markel cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh này rất quan trọng và hiệu quả, dù cho các bên có sự khác biệt nhất định về chiến lược nhưng đều hướng đến mục tiêu chung với quyết tâm mạnh mẽ.


Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, thiết lập một tiến trình chính trị ở Syria là ưu tiên hàng đầu của các bên nhưng vấn đề cấp thiết và quan trọng là phải triệt để tiêu diệt tàn dư của chủ nghĩa khủng bố, kiên quyết không để quân khủng bố có cơ hội ngóc đầu dậy dưới bất kỳ hình thức nào. Nga đánh giá cao vai trò của Thổ trong việc tuân thủ những cam kết giữa hai bên Nga-Thổ tại Sochi (9-2018) về ngừng bắn ở “chảo lửa Idlib” nhằm phân hóa phiến quân và phe nổi dậy “ôn hòa”, tránh một cuộc tắm máu.

 

Tuy vậy, Nga cho rằng, Ankara chưa thể buộc những phần tử cực đoan ở khu vực này tuân thủ theo thỏa thuận, khiến nguy cơ bùng phát xung đột có thể xảy ra, kéo theo là thảm họa nhân đạo. Vì vậy, thực thi thỏa thuận Idlib là rất quan trọng nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Để chấm dứt bạo lực sau 7 năm khói lửa ở Syria và sớm mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này, Syria cần một giải pháp chính trị. 


Cuộc nội chiến ở Syria xảy ra từ năm 2011 giữa các phe phái chống lại Chính phủ do Tổng thống B.al-Assad đứng đầu. Từ năm 2014, Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng nổi lên, chiếm 50%  lãnh thổ Syria, đẩy quân Chính phủ vào thế bị động, đối phó, chỉ quản lý dưới 30% đất đai. Cuộc xung đột ở Syria chuyển hướng, sau khi Mỹ đứng đầu liên minh phương Tây, Arab hậu thuẫn phe nổi dậy; đồng thời, Nga, Iran (9-2015) đưa khí tài, binh sĩ vào Syria hỗ trợ quân Chính phủ chống khủng bố. Hiện, Tổng thống B.al-Assad giành lại hơn 90% lãnh thổ bị tạm chiếm, đẩy phiến quân IS vào thế diệt vong. Tuy nhiên, phe nổi dậy bao gồm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Tổ chức người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn còn khá hùng hậu, đang là lực lượng đối lập chính trên bàn đàm phán chính trị. 


Syria đã trải qua nhiều năm tháng đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và các phe phái dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hoặc tìm giải pháp hòa bình do Nga-Iran-Thổ làm trung gian nhưng khó đạt được thống nhất. Sau Nga, nhiều nước đặt hy vọng vào sự chung tay của Đức-Pháp-Thổ trong tiến trình hòa bình mới ở Syria. Bởi lẽ, Đức và Pháp là đồng minh của Mỹ, là 2 quốc gia trụ cột, nòng cốt trong Liên minh châu Âu (EU) có vai trò dẫn dắt châu Âu, có tiếng nói trọng lượng với phương Tây.

 

Cùng với Mỹ, Đức và Pháp chủ trương gia hạn cấm vận Nga sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine (3-2014), bán đảo Crimea từ bỏ Chính phủ Kiev về với Đất Mẹ Moskva. Gần đây, lãnh đạo các nước châu Âu, trong đó có Italy, Pháp, Đức kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Nga, mời Điện Kremlin tham gia G-7 thành lập G-8 cùng giải quyết khủng hoảng quốc tế, giảm thiệt hại kinh tế giữa các bên. Trong năm qua, bất chấp cảnh báo trừng phạt của Mỹ, châu Âu vẫn là khách hàng chính tiêu thụ năng lượng của Nga. Đức, Thổ hợp tác với Nga khai thông “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, “Dòng chảy phương Bắc 2” công suất 55 tỉ m3/năm là tín hiệu tốt về sự hợp tác giữa châu Âu và Nga, bất chấp Mỹ vô cùng hằn học.


Ba nước: Đức, Pháp, Thổ là thành viên Khối quân sự NATO, có lực lượng quân sự mạnh, trong khi Thổ hậu thuẫn phái Quân đội Syria Tự do (FSA) tham chiến, lập vùng đệm biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời, Thổ là cửa ngõ tiếp đón, mở trại tị nạn hạn chế người Trung Đông di cư tràn vào châu Âu theo thỏa thuận EU-Thổ. EU đang bất đồng sâu sắc về chính sách người tị nạn nhập cư, chính Thủ tướng Đức A.Markel cũng là mục tiêu công kích của phe đối lập khi bà chủ trương phân bổ số lượng nguời tị nạn về các nước thành viên EU. Bởi xung đột Syria và Trung Đông gia tăng, dòng người tị nạn lại ùn ùn kéo đến biên giới Thổ, Libya, tìm đường qua Địa Trung Hải đến châu Âu. Quân bài “người tị nạn” cũng là chìa khóa trong tay Nga, Thổ có thể mặc cả với EU? Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra lạnh nhạt không tham gia các cuộc đàm phán, trung gian hòa giải xung đột ở Syria, là cái khó không chỉ triệt để chống khủng bố mà cuộc tái thiết quốc gia Trung Đông này cũng chồng chất khó khăn trong những năm tới. 


Tháng qua, Tổng thống Thổ T.Erdogan đang chứng tỏ vai trò trụ cột khu vực sau khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh-Qatar, Mỹ cấm vận Iran, nhất là vụ Arab Saudi sát hại nhà báo J.Khashoggi (quốc tịch Arab Saudi, sống ở Mỹ). Tổng thống D.Trump tuyên bố, hành động sát hại nhà báo có quan điểm đối lập với Chính phủ của Arab Saudi là không thể chấp nhận được. Mỹ, Pháp kêu gọi EU thống nhất biện pháp trừng phạt Arab Saudi. Tuy vậy, Mỹ không dễ dàng mạnh tay với Arab Saudi, bởi Ông chủ dầu mỏ đứng đầu Tổ chức OPEC này không chỉ giàu có ngoại tệ mà có quyền rất lớn chi phối thị trường dầu khí thế giới, trong đó có Nga, Iran. Hơn nữa, hợp đồng 300 tỉ USD Arab Saudi mua vũ khí Mỹ, giải quyết việc làm cho nửa triệu người lao động Mỹ, mới bước vào năm đầu tiên, đầy cám dỗ các chủ tư bản lái súng Hoa Kỳ? 


Liệu Mỹ có từ bỏ vùng đất rốn dầu mỏ Syria cho Nga sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng tuyên bố rút quân? Syria có được hòa bình trong khi chiến sự bùng phát ở Yemen và xung đột vũ trang vùng Vịnh có nguy cơ xảy ra? 


NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ