A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Syria: Hạn chót giải giáp phiến quân ở lò lửa Idilb?

 

QPTĐ-Tuần qua, Quân đội Syria truyền đi thông điệp, những cư dân sinh sống trong vòng vây Idilb hãy tránh xa đám phiến quân thánh chiến đang cố thủ, chưa chịu rút đi trước thời hạn chót 15-10. Quân đội Chính phủ cảnh báo, quân khủng bố âm mưu dùng 3 triệu dân ở tỉnh này làm lá chắn sống khi bị tấn công.

 

 

Xe tăng Quân đội Syria.     

                       
Theo thỏa thuận Nga-Thổ (ngày 17-9 tại Sochi), thiết lập vùng phi quân sự ở Tây Bắc tỉnh Idilb (Syria), trên khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, rộng khoảng 15-20km dọc theo đường ranh giới do các lực lượng đối lập kiểm soát, từ giữa tỉnh Aleppo đến vùng nông thôn Đông Bắc tỉnh Latakia và Idilb. Thổ có điều kiện phân hóa phe đối lập “ôn hòa” và tổ chức khủng bố đang chiếm đóng khoảng 2/3 lãnh thổ tỉnh Idilb. Nga, Thổ bảo lãnh cho phe nổi dậy “ôn hòa” đưa các binh sĩ và gia đình rút an toàn khỏi Idilb cùng số vũ khí hạng nặng (xe tăng, pháo binh, tên lửa, súng cối) chậm nhất ngày 15-10. 


Hiện, Quân đội Syria triển khai 20.000-25.000 binh sĩ bao vây Idilb-Thủ phủ cuối cùng của phe nổi dậy, trong khi các lực lượng nổi dậy (SDF, YPG, FSA, HTS) có khoảng 60.000-70.000 tay súng. Tuần qua, có hơn 1.000 tay súng “ôn hòa” FSA (thân Thổ) rời Idilb cùng 100 đơn vị vũ khí hạng nặng. Đa số các phần tử thánh chiến đứng trong hàng ngũ khủng bố quốc tế do Al-Qaeda cầm đầu, tham gia liên minh với tên gọi mới H.T.al-Sham (HTS) tuyên bố tử thủ. Lò lửa Idilb đang nóng lên từng ngày, khó tránh một cuộc giao chiến. 


Tổ chức Ân xá quốc tế tại Syria kêu gọi Nga, Thổ, Iran có hành động “ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Idilb”, trong khi họ đang kích hoạt làn sóng người dân chạy khỏi vùng đất lửa này. Theo Tổ chức cứu trợ Liên hợp quốc, xung đột xảy ra ở Idilb trong năm qua, có một nửa số dân phải chạy trốn. Những người còn trụ lại chủ yếu chỉ sống bằng nguồn viện trợ nhân đạo. “Ngay một cuộc tấn công quân sự hạn chế cũng sẽ làm hàng trăm ngàn người tử nạn hoặc phải rời bỏ nhà cửa”-Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) cho biết. 


Đồng nhất với quan điểm của Ngoại trưởng Nga S.Lavrov, ngừng bắn ở Idilb và phân hóa lực lượng nổi dậy ở khu vực này chỉ là “một biện pháp tạm thời”, Tổng thống Syria B.al-Assad cho rằng: Đây là biện pháp nhằm tránh đổ máu, “Idilb và các phần lãnh thổ Syria khác vẫn đang bị khủng bố chiếm đóng sẽ phải trở về dưới sự kiểm soát của Chính phủ”-Ông B.al-Assad khẳng định và tuyên bố, “những khách không mời mà đến Syria” phải rời khỏi quốc gia này. 


Trước những thất bại của phe nổi dậy, mất hơn 90% lãnh thổ tạm chiếm vào tay quân Chính phủ Syria, Mỹ củng cố 20 căn cứ quân sự cắm cờ Mỹ như một tuyên bố bất khả xâm phạm với Liên minh Syria-Nga-Iran. Mỹ hậu thuẫn phe Dân chủ Syria (SDF) do lực lượng người Kurd (YPG) làm nòng cốt nhằm 2 mục đích: Một là tìm kiếm một giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc xung đột Syria. Hai là buộc Iran phải rút binh sĩ khỏi Syria. Mỹ xiết chặt trừng phạt Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Nhóm P5+1 ký với Iran năm 2015. Cuộc đàm phán hòa bình ở Syria rơi vào bế tắc do bất đồng giữa Chính phủ và phe nổi dậy được Mỹ, phương Tây và Thổ hậu thuẫn. Không dưới một lần, Chính phủ Syria tuyên bố, quân đội Mỹ, Thổ và binh sĩ phương Tây phải lập tức rút khỏi Syria vô điều kiện. 


Thổ Nhĩ Kỳ duy trì đàm phán tay ba với Nga, Iran về chấm dứt xung đột ở Syria. Là quốc gia có chung đường biên giới với Syria, Chính phủ Thổ rút bỏ yêu cầu Tổng thống Syria B.al-Assad phải ra đi như một điều kiện tiên quyết nhưng lấy cớ tiêu diệt phiến quân người Kurd, binh sĩ Thổ tràn sang chiếm đất Syria, hậu thuẫn Quân đội Syria Tự do (FSA) lập vùng đệm sông Euphrates 5.000km2. Ankara cũng không dễ dàng để mất “miếng bánh” Syria trong khi cuộc chiến với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) kéo dài 35 năm qua (từ 1984) làm hơn 40.000 người Thổ thiệt mạng. 


Nga đưa Lực lượng Không quân vũ trụ (VKS) chống khủng bố ở Syria theo đề nghị của Chính phủ Syria (từ tháng 9-2015) giành thắng lợi tuyệt đối về quân sự, chính trị, ngoại giao. Mặc dù Tổng thống V.Putin tuyên bố, rút binh sĩ Nga khỏi Syria sau khi cuộc chiến chống khủng bố đã đạt được các mục đích đề ra nhưng quân đội Nga vẫn được tăng cường sức mạnh vượt trội ở căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim (Latakia). Nga tuyên bố, tiêu diệt đến cùng phiến quân khủng bố Hồi giáo IS tự xưng, tiến tới giai đoạn tái thiết Syria.

 

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho rằng, sự hiện diện của Mỹ chính là lý do khiến chiến tranh ở Syria không thể kết thúc! Bởi, chính Mỹ đang có ý định tạo ra các cơ quan hành chính đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ, cũng như cung cấp vũ khí, viện trợ, kêu gọi người dân tị nạn Syria quay trở về các khu vực do phe nổi dậy chiếm đóng. Syria lên án Mỹ sử dụng vũ khí hóa học, bom phốt pho (bị quốc tế cấm) sát hại thường dân nước này. 


Từ đầu tháng 10, chính trường Syria và Trung Đông lại nổi sóng. Trong 1 tuần lễ, Nga đưa 3 tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cùng 8 bệ phóng/1 tổ hợp và hơn 100 tên lửa trang bị cho Quân đội Syria, sau vụ F-15 Israel “đánh lừa” hệ thống phòng không Syria bắn vào máy bay trinh sát Il-20 Nga làm 15 binh sĩ tử nạn. Israel tuyên bố, không dừng không kích các mục tiêu quân sự của Iran trên đất Syria, bất chấp S-300; đồng thời, kêu cầu Mỹ trang bị tên lửa không đối đất tầm xa tránh S-300. 


Ngày 11-10, Mỹ điều tàu khu trục USS Ross mang tên lửa hành trình Tomahawh cập cảng Ashdod. “Tổng thống D.Trump đã ủng hộ hoàn toàn chính sách của chúng tôi và chuyến thăm của tàu khu trục hôm nay là biểu hiện cho sự ủng hộ đó”-Thủ tướng Israel B.Netanyahu phát biểu trong chuyến thăm tàu USS Ross. Hai cảng Haifa và Ashdod, phía Bắc và Nam Israel đều nằm trong tầm phóng tên lửa của Hezbollah ở Lebanon hoặc Palestine từ Dải Gaza. Giữa lúc căng thẳng ngoại giao Nga và Israel, Mỹ; Nhà Trắng tuyên bố khoản viện trợ quân sự 38 tỉ USD trong 10 năm cho Tel Aviv, như một thông điệp củng cố khối đồng minh.


Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc N.Haley tuyên bố, Syria và Israel đồng ý mở cửa khẩu biên giới “bị tranh chấp” tỉnh Quneitra (Cao nguyên Golan) từ 15-10 nhằm giúp các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngăn chặn các hành động thù địch trong khu vực. Đây được xem như động thái hạ nhiệt căng thẳng giữa Syria và Israel? 


NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ