A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga mạnh mẽ đáp trả cấm vận của Ukraine!

 

QPTĐ-Tuần qua, trang Web của Chính phủ Nga đưa tin, để đáp lại các hành động “không thân thiện” của Ukraine liên quan đến các lệnh trừng phạt do Kiev đưa ra nhằm vào các công dân và thực thể hợp pháp của Nga, Moskva công bố danh sách 390 (theo Reuters là 410) cá nhân, thực thể Ukraine bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đặc biệt. Trong danh sách này có 2 cựu Thủ tướng: Y.Tymoshenko và A.Yatsenyuk, Phó Thủ tướng I.Tsintsadze, Bộ trưởng Nội vụ A.Avakov, Giám đốc An ninh quốc gia V.Hrytsak, 2 tỉ phú: V.Pinchk và P.Fuchs, Oleksiy (con trai cả của đương kim Tổng thống P.Poroshenko); các doanh nghiệp khai thác quặng sắt, kinh doanh xuất nhập khẩu. 

 

 

Khủng hoảng chính trị ở Ukraine là nguyên cớ căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ.     

                  
Trước đó (22-10), Tổng thống V.Putin ký Sắc lệnh cho phép các cơ quan thuộc Chính phủ Nga ban hành lệnh trừng phạt các công ty và công dân Ukraine để đáp trả thái độ thiếu thiện chí của Kiev, nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga. Phát biểu tại cuộc gặp thường niên Câu lạc bộ Thảo luận Valdai (Sochi ngày 18-10), Tổng thống V.Putin cảnh báo, Ukraine không nên theo đuổi chính sách “bài Nga, thân Mỹ” tương tự như Gruzia dưới thời Tổng thống M.Saakashvili, có thể dẫn tới một hệ lụy không mấy tốt đẹp cho Kiev. “Đừng đi theo vết xe đổ của Gruzia”-Ông V.Putin nhấn mạnh. 


Ông chủ Điện Kremlin nhắc lại việc cựu Tổng thống Gruzia M.Saakashvili điều quân đội tấn công Nam Ossetia và Abkhazia năm 2008, dẫn đến “cuộc chiến 5 ngày”, Nga đưa binh sĩ đuổi binh lính Gruzia đến sát thủ đô Tbilisi. Nam Osstia và Abkhazia tuyên bố độc lập, tách khỏi Gruzia. Sau đó, ông M.Saakashvili mất chức Tổng thống, sang làm Thị trưởng thành phố Odessa, rồi vị cựu Tổng thống Gruzia này bị hủy quốc tịch Ukraine (2018).


Bốn năm qua, quan hệ Nga-Ukraine xấu đi nghiêm trọng sau biểu tình đường phố Maidan, đảo chính nghị trường (2-2014) lật đổ Tổng thống V.Yanukovych (thân Nga), đưa ông P.Poroshenko (thân phương Tây) lên cầm quyền. Theo nguyện vọng của hơn 95% người dân trong cuộc trưng cầu dân ý, bán đảo Crimea từ bỏ Ukraine, nhập vào Nga (3-2014). Mỹ và phương Tây lập tức cấm vận Nga. Từ thời gian đó, Kiev áp đặt trừng phạt với 1.228 cá nhân, 468 thực thể Nga (Theo Reuters là 1.762 cá nhân, 786 thực thể) bao gồm các quan chức, chính trị gia, doanh nhân, nhà báo; đồng thời, cấm một số hãng truyền thông, kênh truyền hình, mạng internet Nga; trong đó cấm cả các nhà sản xuất phần mềm chống virus như Kapersky Lab, Doctor Web và 5 ngân hàng Nga. Kiev cáo buộc Điện Kremlin hậu thuẫn lực lượng Dân quân miền Đông Donbass ly khai (4-2014), thành lập Nhà nước tự trị Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR). Nga lên tiếng phủ nhận có liên quan đến cuộc xung đột “nồi da, nấu thịt” ở khu vực miền Đông này. 


Sau Cách mạng Cam và biểu tình đường phố Maidan thắng lợi, đưa nhà tỉ phú bánh kẹo P.Poroshenko lên làm Tổng thống, Ukraine công khai chính sách “thân Mỹ, bài Nga, hướng Tây”, xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sau động thái “bài Nga”, xóa bỏ các quan hệ truyền thống về kinh tế, văn hóa, dân tộc với nước Nga, dân tộc Nga có nguồn gốc từ thời Liên Xô; tháng 9 vừa qua, Quốc hội Ukraine thông qua Nghị quyết hủy Hiệp định Hòa bình, hữu nghị với Nga theo đề nghị của Tổng thống. Đây là hành động có chủ đích của Kiev nhằm cắt đứt quan hệ với Moskva.


Mấy năm qua, mâu thuẫn nội bộ, đấu tranh phe phái, nạn tham nhũng và xung đột miền Đông làm nền kinh tế Ukraine lâm vào suy thoái. Kiev trông chờ nguồn vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hàng chục tỉ USD hòng cứu vãn thị trường. Chiến sự khu vực miền Đông 4 năm qua làm hơn 10.000 người thiệt mạng, 3,6 triệu người mất việc làm, phải di cư. Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện chiến tranh của phương Tây và Mỹ nhằm chống lại phe ly khai. 


Dưới thời Tổng thống B.Obama, Mỹ viện trợ số lượng lớn phương tiện chiến tranh, hậu cần và vũ khí phi sát thương cho Kiev trị giá hàng tỉ USD. Sau hơn 1 năm cầm quyền, Tổng thống D.Trump không ngần ngại viện trợ vũ khí sát thương, đạn dược cho Kiev. Theo ông A.Lukashevich, Đại sứ Thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết: Đến ngày 30-8, Mỹ đã chuyển cho Ukraine 52.000 quả rocket, 3.000 quả mìn, 3.500 khẩu súng, 2 triệu viên đạn, 34.000 thiết bị nổ, 2 tàu tuần tra lớp Island cùng hàng trăm xe thiết giáp Hummer, súng chống tăng Javelin, súng phóng lựu. Kiev đang đàm phán mua vũ khí tấn công chính xác, tên lửa phòng không của Mỹ. 

 

“Thay vì thực hiện các nỗ lực hòa giải, Kiev tiếp tục gia cố thêm sức mạnh của quân đội nước này tại khu vực miền Đông Donbass”-Ông A.Lukashevich nhận định và cho rằng, Mỹ và đồng minh đã vi phạm trực tiếp tới cam kết quốc tế về việc không cung cấp vũ khí tới các khu vực đang có xung đột vũ trang. Kiev có ý định xây căn cứ hải quân ở khu vực biển Azov, gần Crimea, nằm giữa Ukraine và Nga, hòng cạnh tranh với Hạm đội Biển Đen của Nga?


Khủng hoảng chính trị Ukraine là nguyên cớ căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, phương Tây. Liên minh châu Âu tuyên bố, sẽ chỉ bình thường hóa, dỡ bỏ cấm vận Nga khi Moskva trả Crimea về với Kiev! Nhưng dường như điều đó khó có thể xảy ra. 


Mấy năm qua, Moskva đầu tư hàng chục tỉ USD vào Crimea xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, dịch vụ. Bán đảo này đã độc lập tồn tại, kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện hơn, sau khi Kiev thực thi chính sách thù địch cắt điện, nước, dịch vụ hàng hóa, giao thông với Crimea. 


Tháng 5 vừa qua, Nga khánh thành cây cầu bắc qua eo biển Kerch, “công trình thế kỷ” (19km, dài nhất châu Âu) nối đất liền với Crimea trị giá 3,6 tỉ USD, bất chấp việc Kiev tuyên bố “Crimea là vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”. Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine O.Turechynov dịp tháng 8-2018 tuyên bố: “Chúng ta đã thử thành công một tên lửa hành trình do chính mình chế tạo, nó có thể phá hủy những cây cầu và bến phà chiến lược trong trường hợp kẻ thù của Ukraine dùng chúng để khiêu khích chống lại Kiev”. Lập tức, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng, sẵn sàng đáp trả thích đáng bất cứ phần tử khủng bố nào dám xâm phạm chủ quyền, an ninh nước Nga. 


Mặc dù hạn chế đến mức thấp nhất nhưng cấm vận kinh tế của Nga ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân như việc làm, giá khí đốt…


HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ